Đâu là thực chất trong quan hệ Anh - Mỹ?

14/07/2018 - 20:38

Chuyến thăm 4 ngày, bắt đầu từ 13-7, đến quốc gia đồng minh thân cận Anh diễn ra ngay sau khi ông Trump tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) đang được dư luận hết sức chú ý.

Ngày 13-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Anh Theresa May tại Chequers, dinh thự đồng quê của Thủ tướng, phía Tây Bắc London. Ảnh BBC

Vì trước khi đến Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ít lần tỏ ra thất vọng về chủ trương "mềm yếu" của Thủ tướng Theresa May với Liên minh châu Âu (EU) trong các cuộc đàm phán. Nhất là thời điểm Tổng thống Trump đến Anh rơi đúng vào một tuần lễ "đau đầu" đối với Thủ tướng May khi hai bộ trưởng quan trọng từ chức nhằm phản đối các kế hoạch của bà về thương mại với EU sau khi Anh rời liên minh vào tháng 3-2019.

Bên cạnh vấn đề nói trên, Washington và London còn bất đồng sâu đậm trên nhiều vấn đề khác như: Chương trình hạt nhân Iran; sắc lệnh về di cư của tổng thống Trump; hay quyết định của Nhà Trắng dời Tòa đại sứ Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem…

Gần đây nhất là những lo ngại của chính quyền Anh trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 Tổng thống Nga - Mỹ sắp diễn ra tại Helsinki vào đầu tuần tới, trong bối cảnh London tố cáo Moscow đứng đằng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal bằng chất độc Novitchok…

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump sẽ giúp "thai nghén" một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) trong tương lai cũng như cùng hợp tác về các vấn đề quốc tế khác.

Và một điều làm cho dư luận khá ngạc nhiên là, chỉ chưa đầy một ngày sau khi chỉ trích kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “đổi giọng” dường như để hàn gắn rạn nứt giữa hai nước đồng minh “đặc biệt,” bằng cách tuyên bố ủng hộ bất kỳ đường hướng nào mà Thủ tướng Anh lựa chọn cho quan hệ tương lai giữa xứ sở sương mù và Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Theresa May chiều 13/7 theo giờ địa phương sau cuộc hội đàm song phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Bất kể Anh làm gì với Brexit tôi đều thấy ổn, đó là quyết định của các bạn. Các bạn làm gì đi nữa chúng tôi cũng đều thấy ổn, miễn là các bạn có thể hợp tác thương mại với chúng tôi, đó là tất cả những gì quan trọng nhất”?!

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump còn khẳng định mối quan hệ giữa ông và Thủ tướng Theresa May "rất vững mạnh".

Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May cho biết Anh đang hướng tới những thỏa thuận thương mại sau Brexit với Mỹ cũng như một số khu vực khác, trong đó có Thái Bình Dương. Thủ tướng Theresa May cũng khẳng định Anh và Mỹ đã từng “vai kề vai” trong quá khứ và hai bên sẽ tiếp tục sát cánh trong những thỏa thuận thương mại tương lai.

Đặc biệt, Thủ tướng Theresa May còn nhấn mạnh rằng Anh và Mỹ đều nhất trí sẽ đối phó với Nga bằng “sức mạnh và sự thống nhất”, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng những ngôn từ được hai nhà lãnh đạo Anh - Mỹ đưa ra trong cuộc họp báo chung thực chất cũng chỉ nhằm hàn gắn bất đồng mang tính tạm thời để giải quyết những “biến cố không thể không hợp tác với nhau” trong ngắn hạn mà thôi. Vì mục tiêu chủ đạo của Tổng thống Donald Trump là “nước Mỹ trên hết”, còn Thủ tướng Theresa May là “Nước Anh toàn cầu” thì họ khó có thể gặp nhau trên nhiều vấn đề gai góc như xung đột thương mại, hay chương trình hạt nhân của Iran là một ví dụ cụ thể.

Chẳng thế mà báo chí Anh trong những ngày qua đã ví von chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump như một cơn bão quét qua miền Nam nước Anh, phá vỡ mọi quy tắc ngoại giao, có những thay đổi bất ngờ quay ngoắt đến 180 độ, làm rung chuyển các thể chế truyền thống trong mối quan hệ được ví là “đặc biệt” giữa hai nước đó sao?

Theo Chính Phủ