Đâu rồi nghề sửa xe đạp?

21/02/2025 - 07:09

 - Khi xã hội ngày càng phát triển, người sử dụng xe gắn máy, xe điện hoặc “xế hộp” rất phổ biến. Dần dần, phương tiện thô sơ như xe đạp vắng bóng, kéo theo nghề sửa xe đạp bị mai một.

Những người muôn năm cũ

Còn nhớ, những năm 90 của thế kỷ trước, nghề sửa xe đạp rất thịnh hành. Rảo quanh các đoạn đường nông thôn, cách vài km lại thấy bảng hiệu “vá ép, sửa xe đạp”. Ở thành thị, chỉ cần đến gần cổng bệnh viện, nhà thờ, trường học, cơ quan… là đã thấy người thợ đang cặm cụi vặn sửa xe đạp. Thời đó, xã hội chưa phát triển, nhà nào có được chiếc xe đạp tốt thì xem như khá giả. Chiếc xe đạp trở thành phương tiện đi lại hữu ích. Nghề sửa xe đạp “ăn nên làm ra”, nhiều người đã duy trì nghề ngót nghét vài chục năm ròng.

Hôm dạo qua đoạn đường Hùng Vương, cặp bên nhà thờ Long Xuyên, tôi gặp ông Võ Văn Minh (60 tuổi) đang dùng mỏ lếch gồng hết sức vặn, chỉnh ghi-đông xe đạp cho khách. Hàng ngày, ông cứ ngồi dưới bóng râm ven đường, chờ khách dắt xe tới sửa. Nhớ về cái thời cực thịnh của nghề, ông Minh nói, đoạn đường này có khoảng 20 người sửa xe đạp và bơm hơi. Từ sáng sớm tới chiều tối, khách mang xe tới nườm nượp, thợ sửa không kịp nghỉ tay.

Người thợ sửa xe cho khách

Bình quân mỗi ngày, 1 thợ sửa từ 5 - 10 chiếc xe đạp. Nhiều khi vào cuối tuần, xe hư nhiều quá phải thắp đèn dầu sửa tới khuya. “Mờ sáng, tôi xách đồ nghề ra là có bà con mang xe tới tranh thủ sửa. Có người mang xe lôi đạp sửa, tranh thủ chở các chị đi chợ sớm. Hồi đó, gia đình nào có chiếc xe lôi đạp xem như có phương tiện kiếm sống hàng ngày. Ngoài chở người dân đi chợ, các anh còn đạp xe lôi chở hàng cho chủ tiệm tạp hóa” - ông Minh nhớ lại.

Hiện nay, khu vực ven nhà thờ Long Xuyên chỉ còn vài người sửa xe đạp, nhưng rất ít khách. Họ chuyển sang bơm xe, vá ép là chính. Chỉ tay về đầu đường, ông Võ Văn Thảo (55 tuổi, người bơm xe, vá ép) cho hay, mấy năm nay, khu vực này còn 2 người sửa xe đạp là ông Minh và bà Ba. Họ gắn bó với nghề hơn 40 năm. Tuy nhiên, bây giờ người dân sử dụng xe gắn máy, xe điện phổ biến, ít ai mang xe đạp đến sửa chữa. “Thi thoảng có khách mang xe đạp tới cho ông Minh bắt căm, thay dây sên, nhông dĩa, bạc đạn, đùm… Làm thợ sửa xe, tiền không có bao nhiêu, nhưng cực lắm! Nhiều người đã chuyển nghề khác kiếm sống” - ông Thảo cho hay.

Níu giữ nghề xưa

Nằm trên đường Đề Thám (phường Bình Khánh), hàng ngày ông Hoàng (75 tuổi) ngồi chờ khách. Tính đến nay, ông đã có gần 20 năm trong nghề. Mặc dù cuộc sống ổn định nhờ tiền lương hưu, nhưng ông vẫn đam mê nghề sửa xe đạp. Ngoài ra, ông còn kiêm luôn bơm hơi, vá ép các loại xe. Ông Hoàng bày tỏ, thuở nhỏ ông từng thạo nghề sửa xe đạp. Lớn lên, ông đi làm việc, khi nghỉ hưu quay trở lại nghề xưa cũ, vì đam mê. “Già rồi, ở không cũng buồn. Tôi mê nghề sửa xe từ nhỏ, chủ yếu vận động để đầu óc linh hoạt hơn. Không cần tiền bạc gì nhiều đâu, già rồi xài bao nhiêu chú em ơi!” - ông Hoàng cười khục khặc.

Nhắc về nghề, ông Hoàng nói thao thao bất tuyệt. Nhà ông gần đèn tín hiệu giao thông, mỗi khi xe cộ qua lại ghé vào rất tiện lợi. Ngồi trò chuyện với ông vài phút thì có khách bơm xe. Vừa kéo vòi bơm hơi cho khách, ông Hoàng vừa tâm sự với chúng tôi rổn rảng. Năm nay ở cái tuổi “thất thập”, nhưng ông còn rất khỏe. Ông kể, có người đến sửa xe đạp riết rồi quen luôn. Sau đó, họ có nải chuối, trái bầu, mướp… do nhà trồng cũng đem đến biếu ông. “Có người đem đến nửa nải chuối tặng, chủ yếu tấm lòng, tôi nhận luôn. Mấy ông bạn mối sửa xe, lâu lâu ghé lại tặng thùng bia, con gà ngồi làm sương sương buổi chiều” - ông Hoàng thật tình.

Ông Hoàng nhớ lại, có bận xe gắn máy thịnh hành, xe đạp giảm mạnh. Tuy nhiên, sau này phong trào chạy xe tập thể dục bỗng dưng nổi lên, nhiều người mang xe đến sửa. Rồi xe đạp học sinh bị trục trặc cũng mang đến chỗ ông. Ông sửa xe rất có tâm. Xe hư chỗ nào thì ông tư vấn để khách an tâm, tin tưởng sửa chữa. Khi sửa xong, ông lấy giá hữu nghị, không nói thách. Nếu có khách bồi dưỡng thêm thì ông gửi trả lại. “Làm nghề này có bao nhiêu tiền đâu mà phải nói thách để đánh mất lòng tin đối với mọi người. Mỗi lần thấy chiếc xe mình sửa chạy ngang nhà, tôi đều hỏi han, êm không? Nếu xe còn trục trặc, tôi kêu mang xe quay lại để sửa không công” - ông Hoàng bày tỏ.

Trong xu thế phát triển hiện nay, xe gắn máy, xe điện trở thành phương tiện lưu thông phổ biến, lấn át xe đạp. Từ đó, những người thợ sửa xe đạp cũng chuyển đổi sang việc khác. Nhưng vẫn còn có người cố bám trụ lại với nghề bằng chút hy vọng. “Có ngày cao điểm, tôi sửa 4 - 5 chiếc xe đạp. Tôi chỉ mong nghề xưa cũ trở lại đông vui...” - ông Hoàng bộc bạch.

Trưa nắng gắt, dòng người tiếp tục qua lại, ông Hoàng vẫn ngồi trước nhà đợi khách mang xe đến sửa. Chia tay ông Hoàng, chúng tôi thầm nghĩ, ngày sau có còn ai níu giữ cái nghề sửa xe đạp xưa cũ như thuở nào?

LƯU MỸ