Theo Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh An Giang, 4 phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch được tổng hợp. Thứ nhất, tạo lập tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; sử dụng biệt danh nhằm che giấu lai lịch, tạo lập và điều hành hội, nhóm thu hút nhiều người tham gia; chỉnh sửa thông số kỹ thuật của tập tin thời gian, giả mạo IP để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; cho người dùng tự do đăng tải thông tin, bình luận mà không kiểm soát nội dung.
Thứ hai, triệt để nắm bắt, lợi dụng “sự kiện nóng”, vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận. Thứ ba, lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước đối với việc cấp tên miền quốc gia, việc kiểm duyệt nội dung trong một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử để cắt ghép, giả mạo thông tin. Xuất hiện đối tượng vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, thu lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất, gây hoang mang dư luận.
Cuối cùng là triệt để khai thác những sai phạm của một số cá nhân công tác tại cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước; thông tin, tình hình nhạy cảm liên quan đến việc kỷ luật, khởi tố lãnh đạo các cơ quan để xuyên tạc, lan truyền thông tin trái chiều, sai sự thật.
Làm việc với YouTuber đăng tải thông tin liên quan đến An Giang
Lĩnh vực an ninh mạng, công an toàn quốc phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo dấu hiệu hoạt động tấn công mạng (tăng 33% so cùng kỳ năm trước), hơn 1.700 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc, nằm trong các mạng máy tính ma. Hệ thống mạng một số cơ quan, đơn vị trọng yếu thuộc ban, bộ, ngành, địa phương bị tin tặc tấn công, đánh cắp dữ liệu, thay đổi giao diện, quyền quản trị, đăng nhập. Lực lượng công an phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa 2.700 hội nhóm, tài khoản, bài viết, video xấu độc có lượng tương tác, chia sẻ lớn trên không gian mạng, ngăn chặn gần 30 triệu lượt tán phát, tiếp cận thông tin xấu độc; xây dựng, đăng tải hơn 15.700 ấn phẩm truyền thông, thu hút 112 triệu lượt tương tác tích cực.
Đồng thời, yêu cầu Google, Facebook, TikTok gỡ bỏ hơn 800 tài khoản, bài viết, video có nội dung xấu độc, công kích, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật; kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 3 tạp chí, hơn 400 triệu đồng do hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng vấn đề nóng, vụ việc nhạy cảm của tỉnh để đăng tải tin, bài hướng lái dư luận, giật tít nhằm “câu like”, “câu view”, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh An Giang chỉ đạo công an đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả 5 mặt công tác trọng yếu, gồm: Tổ chức kiểm soát tình hình, phát hiện, thẩm định, xác định tin giả, tin sai sự thật; xác minh, truy tìm đối tượng tạo dựng, tán phát, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật; đấu tranh, trấn áp, xử lý hành vi sai phạm; tổ chức các biện pháp kỹ thuật tấn công, xóa bỏ, vô hiệu hóa kênh, trang, tài khoản, tin, bài giả mạo, sai sự thật; truyền thông mạnh để phản bác, góp phần định hướng dư luận, răn đe đối tượng khác, phòng ngừa xã hội.
“Công an tỉnh huy động hơn 6.000 tài khoản mạng xã hội của cán bộ, chiến sĩ và người dân đăng tải gần 3.000 tin, bài, nhằm phản ánh khách quan, cảnh báo, phản bác tin giả, tin sai sự thật; tuyên truyền kết quả đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm. Công an đơn vị, địa phương xác minh, đấu tranh, xử lý 4 trường hợp. Tất cả đều thừa nhận hành vi sai phạm, tự nguyện gỡ bỏ bài viết, video clip, viết cam kết không tái phạm.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh An Giang kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho cơ quan báo chí, cùng định hướng thông tin dư luận, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” - thượng tá Huỳnh Văn Phú, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh An Giang) thông tin.
Thời gian tới, tình hình chống phá của các đối tượng xấu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” là giải pháp hữu hiệu hàng đầu. Những thông tin tích cực, chính thống cần được đăng tải rộng khắp trên cổng thông tin điện tử, cơ quan báo chí và không gian mạng, để mọi người dân đều được tiếp cận. Thông tin tiêu cực và đối tượng vi phạm phải bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để.
Toàn hệ thống chính trị đề cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi chia sẻ thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội theo Quy định 85-QĐ/TW, ngày 7/10/2022 của Ban Bí thư (về việc cán bộ, đảng viên thiết lập, sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội) gắn với vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
AN KHANG