Từ lúc học mầm non, tiểu học, các em nhỏ đã được hướng dẫn những điều nhỏ nhất, như: Ngoan ngoãn, lễ phép, gặp người lớn khoanh tay kính chào, trong gia đình phải “đi thưa, về trình” với người lớn. Vậy mà cha mẹ đôi khi không giữ gìn những điều mang tính nguyên tắc, đạo lý trước mặt con. Nhiều bậc cha mẹ “quên” chào hỏi ông bà, để con nhỏ thắc mắc: “Sao mẹ không chào bà nội rồi mới đi làm?”. Trên đường đi, nếu con đang uống vội hộp sữa, uống xong vẫn cầm trên tay, nhiều cha mẹ kêu tìm chỗ trống vứt đi cho nhẹ tay. Đứa con trả lời: “Con chưa tìm được thùng rác”.
Đi trên chuyến phà An Hòa (TP. Long Xuyên - huyện Chợ Mới), tôi trông thấy người mẹ ăn trái cây, bỏ vỏ và hạt xuống phà, trong khi cô con gái nhỏ lại cất vỏ bánh vừa ăn, cho vào túi áo khoác. Gần đó, một thanh niên uống xong ly trà sữa ném thẳng xuống sông, chú chở hàng ném tàn thuốc lá xuống phà...
Những hình ảnh đó vô tình làm cho một số trẻ xao lãng thói quen phải để rác đúng nơi quy định, đồng thời bắt chước thói quen chưa tốt của người lớn. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, nếu không được người lớn quan tâm, làm đúng, sẽ dẫn đến hệ lụy không nhỏ. Bởi có lần, tôi chứng kiến cả gia đình ngồi trên chiếc xe ôtô sang trọng, người cha mở cửa cho đứa con tranh thủ vứt vỏ chai nước suối, vỏ bánh phồng tôm ra bên ngoài, vô tình trúng vào người chạy xe gắn máy bên ngoài. Hai bên xảy ra cự cãi…
Khi chở con đi học, gặp đèn giao thông đã chuyển sang màu vàng, cha mẹ không chịu dừng xe, lại tranh thủ vượt sang đường. Lúc này, đèn tín hiệu đã chuyển sang đỏ. Đứa con thắc mắc: “Tại sao cha mẹ vượt đèn đỏ, như vậy là vi phạm an toàn giao thông”, người lớn vội biện minh: “Nếu không tranh thủ, con sẽ trễ học”.
Hoặc khi gặp biển báo giao thông cắm rẽ trái, nhưng vì muốn tiện lợi, nhiều người cố tình rẽ trái, làm cho trẻ con phải “ngẩn ngơ”, tự đặt câu hỏi: “Tại sao cha mẹ không chấp hành quy định an toàn giao thông, trong khi ở trường thầy cô giáo đều dạy phải tuân thủ?”. Hay câu chuyện của một người bạn kể lại, anh khá áy náy khi có người điện thoại mời đi ăn.
Anh từ chối với lý do mình đã về quê. Đứa con trai hỏi: “Ba ơi, rõ ràng là mình đang ở nhà, chứ đâu có về quê, tại sao ba lại nói dối như vậy?”. Lúc này, anh ngớ người vì vô tình nói dối trước mặt con. Thay vào đó, anh cứ thẳng thừng từ chối, nêu rõ lý do không thể đi cùng bạn thì sẽ tốt hơn nhiều.
Từ những điều tưởng chừng như nhỏ, nhưng nếu cha mẹ không làm gương thì không thể giáo dục và làm cho con cái noi theo. Việc “nói một đằng” nhưng trước mặt con lại “làm một nẻo”, vô tình làm cho các con thiếu niềm tin, hoang mang về điều được giáo dục. Các con không còn tin, không biết khi nào làm theo.
Dần dần, nhiều đứa trẻ thiếu nể phục, tôn trọng người lớn, thầy cô; cảm thấy bất công khi phải chấp hành nhiều thứ, trong khi người lớn thích thì làm, không thích thì thôi. Từ đó, trẻ không xác định rõ hệ giá trị đạo đức để tuân thủ, để sống phù hợp trong gia đình và giao tiếp ngoài xã hội. Lớn lên, các con cư xử, hành động theo thói quen thiếu chuẩn mực, dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình.
Phải chăng, các bậc cha mẹ ngày nay sống vội đến mức không thể dừng lại đèn đỏ vài chục giây để đảm bảo an toàn cho mình và con, không thể tạm cất rác và tìm nơi để rác đúng quy định? Họ không thể ngừng nói dối, giải thích những điều thắc mắc của con theo kiểu “hợp lý” của mình. Nếu vậy, không thể mong con trưởng thành trở thành người hoàn thiện về nhân cách, làm được nhiều điều tốt đẹp.
Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào khỏe mạnh thì xã hội mới có thể phát triển tốt đẹp. Ví như chúng ta mong muốn có môi trường sống xanh - sạch - đẹp, không thể trông mong vào nhân viên vệ sinh, tình nguyện viên dọn rác, mà phải từ mỗi gia đình, cá nhân không vứt rác. Những điều tốt đẹp nên được hình thành, trao truyền qua nhiều thế hệ. Cha mẹ đừng mãi giữ cách “dạy con một đằng, làm một nẻo”.
NGỌC GIANG