Đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại

31/12/2021 - 06:44

 - UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch 720/KH-UBND triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại (giai đoạn 2022-2026) nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại, đưa văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhanh và bền vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, việc ban hành kế hoạch nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 25/CT-TTg, ngày 10-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam. Đẩy mạnh văn hóa đối ngoại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh miền đất, con người, nét văn hóa đặc sắc của An Giang đến bạn bè quốc tế; tăng cường hoạt động giao lưu biên giới. Qua đó, mở rộng hợp tác với địa phương thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của văn hóa đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước, của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của sở, ban, ngành, UBMTTQ, đoàn thể, tổ chức hữu nghị và nhân dân trong công tác văn hóa đối ngoại.

Việc triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại phải đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Lồng ghép hoạt động văn hóa đối ngoại với hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh; gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa đối ngoại với chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại, góp phần tăng cường đoàn kết, quan hệ hữu nghị, hợp tác với bạn bè quốc tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.  

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, quảng bá về An Giang; quản lý, hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài đến hoạt động trên địa bàn tỉnh; tranh thủ quảng bá hình ảnh của tỉnh thông qua phóng viên báo chí nước ngoài. Nâng cao chất lượng ấn phẩm sách, báo giới thiệu về văn hóa, du lịch của An Giang bằng nhiều ngôn ngữ quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế... Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng số, mạng xã hội...

Tăng cường triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam từ nay đến năm 2030, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mở rộng hoạt động văn hóa đối ngoại của tỉnh trong khu vực ASEAN, đặc biệt là với các tỉnh giáp biên, như: Kandal, Takeo (Vương quốc Campuchia). Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, xây dựng biểu tượng văn hóa và một số sản phẩm văn hóa của tỉnh mang thương hiệu quốc gia.

Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh An Giang ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, nhất là di sản văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Đờn ca tài tử, Hội đua bò Bảy Núi, nghệ thuật Dì kê; Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê; Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di tích danh thắng Núi Sam, đồi Tức Dụp, Thánh đường Hồi giáo Mubarak… ). Từ đó, biến di sản trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, vừa phục vụ giáo dục truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà…

Tỉnh An Giang tích cực triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại tại khu vực biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, thông qua chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, giao thương thường xuyên, góp phần làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau của người dân khu vực biên giới.

THU THẢO