Đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm

12/01/2024 - 08:20

Lãi suất duy trì ở mức thấp sẽ góp phần kích thích nhu cầu vay vốn đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

Số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH ra nền kinh tế 13,7% (tương đương 1,5 triệu tỉ đồng đã được các tổ chức tín dụng cho vay). Năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, với quy mô của dư nợ tín dụng hiện tại, có khoảng 2 triệu tỉ đồng từ hệ thống NH sẽ được chảy ra thị trường. Vậy các doanh nghiệp (DN) có dễ tiếp cận và từng NH thương mại sẽ sử dụng dòng vốn này ra sao?

Không phải gói hỗ trợ!

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết tính trên cơ sở lượng tiền, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế năm 2023 là khoảng 13,56 triệu tỉ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng 15% cả năm 2024, có nghĩa các tổ chức tín dụng sẽ có thêm gần 2 triệu tỉ đồng để cho vay.

Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm, NHNN mới áp dụng cơ chế điều hành tín dụng mới - giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn bộ 15% cho các NH thương mại thay vì cấp tín dụng theo từng giai đoạn như trước. Đây là một bước chuyển biến mới, tạo sự chủ động cho các NH trong phân bổ vốn, tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. NHNN chỉ thay đổi cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng, chứ không phải thông tin 2 triệu tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế là gói hỗ trợ. "Nếu như NH, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng, an toàn hệ thống và bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép, NHNN sẽ tiếp tục giao thêm" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% ngay từ đầu năm giúp các NH thương mại chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng để cho vay. Ảnh: TẤN THẠNH

Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng lưu ý việc đổi cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm là để thúc đẩy vốn tín dụng vào nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Tuy nhiên, các NH vẫn phải kiểm soát dòng vốn đúng mục đích, không để ném tiền vào sân sau, vào hệ sinh thái trong khi vốn chính đáng cho nền kinh tế không được cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số NH thương mại cho biết ngay sau khi được giao chỉ tiêu tín dụng 15%, NH đã triển khai ngay các giải pháp đẩy mạnh cho vay, hướng đến những khách hàng tốt, dự án triển vọng ngay từ đầu năm với mức vốn hợp lý nhằm tăng thu nhập lãi cho cả năm. Ngoài ra, NH cũng định hướng cho vay khách hàng tốt phù hợp với chiến lược thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững. "Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần vào đầu năm là cơ chế mang tính thị trường hơn so với trước, tạo sự chủ động cho NH thương mại. Riêng với việc kiểm soát mức tăng trưởng để tránh bị động, các NH đã từng có kinh nghiệm từ năm 2022 khi đầu năm tăng quá nhanh, cuối năm lại thiếu hạn mức trầm trọng nên năm nay sẽ điều tiết cho phù hợp theo yếu tố mùa vụ" - phó tổng giám đốc một NH cổ phần nói.

Lo khả năng hấp thụ vốn

Tuy vậy, có ý kiến lo ngại trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, tăng trưởng chậm, việc bơm 2 triệu tỉ đồng vốn tín dụng ngay từ đầu năm liệu có thuận lợi? Khách hàng cá nhân và DN có đủ sức hấp thụ số vốn này? Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã giảm, thấp hơn trước COVID-19 rất nhiều, thậm chí mặt bằng lãi suất hiện nay đang thấp nhất trong 10-20 năm qua. Điều này sẽ góp phần kích thích nhu cầu vay vốn đầu tư, kinh doanh của người dân và DN.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Quỹ đầu tư VinaCapital, cũng kỳ vọng lãi suất giữ bình ổn như mức hiện tại trong thời gian tới sẽ hỗ trợ nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Ngoài ra, tăng trưởng GDP được kỳ vọng tăng 6%-6,5% trong năm nay nhờ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm "Made in Vietnam", đặc biệt là hàng điện tử tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, Âu dần phục hồi và có thể tăng trở lại trong năm 2024. Nhu cầu tiêu dùng đã bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2023 khi nhiều nhà máy bắt đầu tuyển dụng trở lại và Chính phủ có các động thái hỗ trợ thị trường bất động sản... Những yếu tố này sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ vốn cho các DN và nền kinh tế.

Tuy vậy, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 chưa cao, bằng chứng là giai đoạn đầu năm tín dụng tăng rất chậm. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ngoái cũng chưa như kỳ vọng 14%-15%. Hiện tại, khả năng hấp thụ vốn của DN cũng chưa cao. Do đó, nếu bơm toàn bộ 2 triệu tỉ đồng, tương ứng tăng trưởng tín dụng 15% vào nền kinh tế là một bài toán các NH cần phải tính kỹ. Bởi nếu đẩy mạnh vốn đầu năm, phải làm sao kiểm soát để tiền chảy vào đúng lĩnh vực, tránh vốn chảy vào các kênh mang tính chất đầu cơ có thể hình thành "bong bóng" trong tương lai… "NHNN đã sửa đổi Thông tư 06 kiểm soát mục đích vay vốn, cho vay sử dụng vốn đúng mục đích, kể cả các việc góp vốn, mục đích góp vốn vào công ty khác. Nhưng việc kiểm soát này còn phụ thuộc vào từng NH thương mại mà yếu tố con người rất quan trọng. Do đó, vai trò của cơ quan thanh tra giám sát NHNN và sử dụng thêm công cụ thị trường sẽ cần thiết" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Lãnh đạo NH Quân đội (MB) kiến nghị Chính phủ, NHNN báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung một số nội dung trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phòng ngừa việc thao túng tổ chức tín dụng thông qua bổ sung các nguyên tắc, định trách nhiệm đối với chủ sở hữu của các NH. Đồng thời, tăng vai trò, trách nhiệm giám sát, kiểm soát của NHNN trong thanh tra, kiểm tra mối quan hệ giữa cổ đông với khách hàng.

Cảnh báo rủi ro nợ xấu tăng cao

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết thời gian qua, các tổ chức tài chính quốc tế liên tục cảnh báo Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng có tỉ lệ dư nợ tín dụng/GDP rất cao (cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp), cảnh báo rủi ro tài chính, rủi ro an ninh tài chính. Thực tế, dù NHNN có rất nhiều cảnh báo nhưng tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng vẫn tăng rất nhanh, gần 5% được xem là mức rất cao. Nợ xấu này do DN và người dân vay vốn nhưng không có khả năng trả nợ, một phần bị tác động bởi COVID-19 và nhiều yếu tố.

Theo Người lao động