Đẩy mạnh chống buôn lậu cuối năm

04/01/2024 - 06:50

 - Cuối năm là thời điểm đối tượng buôn lậu trên tuyến biên giới tăng cường hoạt động. Còn ở nội địa, tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng cũng phát sinh mạnh. Vì vậy, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần được đẩy mạnh.

Diễn biến phức tạp

Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hùng chia sẻ, tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Bắc giáp với tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia), đường biên giới dài 98,2km; có 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông) cùng nhiều cửa khẩu phụ. Mùa nước nổi, đồng nước mênh mông, rất thuận tiện cho việc qua lại. Đối tượng buôn lậu lợi dụng điều kiện này để “đánh hàng” qua biên giới, đưa sâu vào nội địa để tiêu thụ kiếm lời.

Lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến biên giới

An Giang là tỉnh đầu nguồn, cùng với sự phát triển năng động của lĩnh vực kinh tế - xã hội, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu cũng tăng cường hoạt động, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống. Song, bằng quyết tâm chính trị, các lực lượng làm nhiệm vụ đã đẩy mạnh kiểm soát địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn lậu.

“Thời gian qua, tuy buôn lậu được kiềm chế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Lợi dụng đời sống khó khăn của cư dân biên giới, các chủ đầu nậu đã thuê “cửu vạn” vận chuyển hàng lậu qua biên giới, từ đó tình hình luôn khó lường…” - ông Nguyễn Minh Hùng chia sẻ.

Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát, vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng… Trong nội địa, một số cơ sở kinh doanh vì mục đích lợi nhuận tiến hành thu mua hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn mác từ các địa bàn khác, sau đó thuê phương tiện vận chuyển về An Giang tiêu thụ.

Tăng cường đấu tranh

Nhiều năm qua, mặc dù tỉnh đẩy mạnh mời gọi đầu tư, mời doanh nghiệp về địa phương biên giới để xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, tạo việc làm cho người dân, song số doanh nghiệp về đây vẫn rất ít, nguồn việc làm vẫn là vấn đề nan giải.

Mặt hàng buôn lậu hiện nay rất đa dạng

Tết đến, Xuân về là thời điểm tội phạm buôn lậu tăng cường hoạt động. Trước thực tế này, hàng năm Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đều chỉ đạo các lực lượng chức năng mở cao điểm tấn công. Ngày 28/11/2023, Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 tỉnh được ban hành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước được chỉ định làm Trưởng ban. Các Phó Trưởng ban gồm: Đại tá Lâm Phước Nguyên (Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực), Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang Trần Thanh Bình, đại tá Trần Quốc Khánh (Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh). Thành viên của ban 25 người, bao gồm đại diện sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND 5 huyện, thị xã, thành phố có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia.

Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục xây dựng kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn sở, ngành, địa phương đấu tranh. Các cơ quan, lực lượng chức năng phối hợp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm; thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính trọng điểm…

“Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mà các loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh không còn manh động, không còn chạy xe trên đường để chở thuốc lá lậu… Nhân dân rất tán dương, khen ngợi lực lượng chức năng” - ông Nguyễn Hùng Dũng (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.

“Công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được xác định là việc làm lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhân dân, cả hệ thống chính trị…” - Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hùng khẳng định.

MINH HIỂN