Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

10/04/2023 - 07:13

 - Năm 2023, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thường xuyên và có hiệu quả.

Khởi sắc, hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang (VH-TT&DL) Trương Bá Trạng, năm 2023, sở tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn mới (NTM). Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội (KTXH) và phát triển văn hóa, con người An Giang theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Đồng thời, gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc xây dựng không gian văn hóa, “gia đình văn hóa”, “khóm, ấp văn hóa”, “cơ quan văn hóa”, “gia đình hạnh phúc”... giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa bằng văn hóa giao tiếp, ứng xử.

Quý I/2023, Ban Chỉ đạo công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa NTM tại xã Vĩnh An, Tân Phú (huyện Châu Thành); xã Lê Chánh, Tân Thạnh (TX. Tân Châu). Thực hiện lắp đặt và bàn giao 5 pa-nô tuyên truyền “Điểm sáng văn hóa biên giới” tại các xã biên giới thuộc các huyện, thị xã, thành phố biên giới. Tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là các mô hình gắn với tiêu chí cảnh quan môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh trật tự... được phát động, thực hiện, như: “Tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - an ninh”, “Đoạn đường không rác”, “Tuyến đường ánh sáng an ninh”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo”... Mỗi mô hình là một bước tiến của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy, nhân thêm những điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư.

Xây dựng nếp sống văn hóa bằng văn hóa giao tiếp, ứng xử

Bà Trần Thị Thủy (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) cho biết: “Địa phương vận động người dân trồng hoa, cây xanh tạo bóng mát, chung tay giữ gìn cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Tôi cùng bà con địa phương tham gia vệ sinh môi trường, làm hàng rào cây xanh, trồng hoa, góp phần làm đẹp cảnh quan đường phố. Đây là việc làm thực tế giúp thay đổi suy nghĩ, nhận thức của mỗi người dân, góp phần làm sạch đẹp đường phố, xây dựng NTM, xây dựng cuộc sống văn minh hơn”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết: “Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố đã để lại dấu ấn bằng những đổi thay tích cực về diện mạo đô thị thành phố du lịch, xây dựng NTM và nâng cao đời sống người dân. Ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Các giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.  Từ đó, đã tạo động lực thúc đẩy KTXH thành phố ngày càng phát triển, thực sự là điểm đến văn minh, thân thiện”.

Nâng chất phong trào 

Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh và nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương, nhất là ngành VH-TT&DL tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, DN; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên để văn hóa thực sự là động lực, đột phá thúc đẩy phát triển KTXH. 

Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, DN; phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa. Song song đó, xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, an toàn ở địa bàn dân cư; các cơ quan, đơn vị, DN đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường.

Tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đặc biệt, gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng NTM, nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KTXH và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Qua đó, nhằm tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 - 2026 chất lượng, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người An Giang toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

THU THẢO