Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu gạo trong năm 2024.
Để kích hoạt thị trường lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản số 1764/NHNN-TD về việc đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo.
Nhiều giải pháp cho thị trường lúa gạo
Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ đông xuân 2023-2024 tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình của ngân hàng.
Theo Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn, năm 2024, để thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ sớm ban hành Chỉ thị triển khai các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, đầu tháng 3 vừa qua, Hội nghị lúa gạo toàn cầu và Hội nghị hợp tác thương mại gạo thường niên lần thứ 17 giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đã được tổ chức tại Việt Nam.
Ngành gạo Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tất cả các diễn biến trên thị trường thương mại toàn cầu, như: thay đổi chính sách, biến động cung cầu, giá cả, biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu… - Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn
Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hơn 400 thương nhân xuất nhập khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ, các chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu ngành lúa gạo từ 30 quốc gia trên thế giới. Việt Nam và Thái Lan cũng cập nhật, trao đổi những thông tin mới nhất về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của hai nước cũng như các nhận định, đánh giá về xu hướng thị trường lúa gạo trong năm 2024 để tăng cường hoạt động xuất khẩu.
Ông Sơn cũng cho rằng, ngành gạo Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tất cả các diễn biến trên thị trường thương mại toàn cầu, như: thay đổi chính sách, biến động cung cầu, giá cả, biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân.
Cơ hội xuất khẩu lớn
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; giá xuất khẩu bình quân 699 USD/tấn, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường chất lượng cao như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Australia… Đây là dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo toàn cầu đang bị thắt chặt.
Năm 2024, dự báo thị trường còn nhiều biến động về sản lượng, giá bán, nguồn cung- cầu của các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, thị trường thế giới vẫn sẽ có nhu cầu cao đối với mặt hàng này. Đối với gạo Việt Nam, thị trường xuất khẩu chính vẫn là các quốc gia châu Á như: Philippines, Indonesia. Ngoài ra là các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, EU… Một số thị trường châu Phi cũng là cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2024.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cho biết: Senegal là thị trường tiêu thụ nhiều gạo với khối lượng nhập khẩu từ 900.000 đến 1.000.000 tấn/năm, chủ yếu là gạo tấm 100% giá rẻ. Đây là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người cao nhất Tây Phi, khoảng 117kg/người/năm.
Theo Trung tâm thống kê của nước này, năm 2023, nhập khẩu gạo của Senegal đã đạt 1,3 triệu tấn, kim ngạch hơn 500 triệu USD. Các nước cung cấp chính gồm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan, Uruguay, Việt Nam… Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này đạt 12.392 tấn, kim ngạch 5,35 triệu USD, tăng 215% so với năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu sang Senegal 414 tấn gạo, kim ngạch đạt 307.820 USD.
Theo TIẾN ANH (Báo Nhân Dân)