Huyện An Phú công bố xuất khẩu 18 tấn xoài keo sang thị trường Hàn Quốc
Những điểm sáng
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong 9 tháng ước đạt 920 triệu USD (tăng 5,18% so cùng kỳ). Trong đó, sản lượng xuất khẩu thủy sản đạt 125.000 tấn, tương đương 226 triệu USD, tương đương về sản lượng và kim ngạch so cùng kỳ. Các DN chế biến thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, với hơn 60% (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines…), Châu Mỹ khoảng 20% (Colombia, Hoa Kỳ, Mexico…), Châu Âu khoảng 18% (Nga, Ukraine, Pháp…).
Theo đó, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 323.000 tấn, tương đương 196 triệu USD (tăng 3% về lượng và tăng 7% về kim ngạch so cùng kỳ); tốc độ tăng kim ngạch lớn hơn sản lượng do giá xuất khẩu tăng. Thị trường xuất khẩu gạo của các DN trong tỉnh chủ yếu là thị trường Châu Á chiếm khoảng 88% tỷ trọng (xuất sang các nước: Indonesia, Philippines, Singapore, Hồng Kông…), còn lại là thị trường Châu Âu (Anh, Đức, Ba Lan…), Châu Phi (Ghana, Mozambique...). “Nhờ các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nên lúa bán được giá cao. Đài thơm 8, tôi bán được giá từ 8.400 - 8.600 đồng/kg. Có nông dân trong xã trồng lúa OM 18 bán giá từ 8.600 - 8.800 đồng/kg (thời điểm cuối tháng 8/2024). Với mức giá này, nông dân có lời, cuộc sống tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Út (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) cho biết.
Về rau quả đông lạnh, ước sản lượng xuất khẩu đạt 113.000 tấn, tương đương 58 triệu USD, tăng 23% về kim ngạch so cùng kỳ. Trong đó, DN xuất khẩu đạt 23.000 tấn, tương đương 36 triệu USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ về lượng và kim ngạch. Về thị trường, chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Ba Lan, Bỉ, Vương quốc Anh… Điểm sáng trong xuất khẩu rau quả khi An Giang xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép của huyện Chợ Mới sang thị trường Hàn Quốc vào tháng 2/2024.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng cho biết: “Chợ Mới có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh, với hơn 6.400ha. Có trên 704ha xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; đã cấp 41 mã số vùng trồng trên xoài tượng da xanh với diện tích 6.149,32ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc”. Đến ngày 27/3, UBND huyện An Phú tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô 18 tấn xoài keo sang thị trường Hàn Quốc theo chương trình liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị.
Đối với mặt hàng may mặc ước xuất khẩu hơn 170 triệu USD, tăng 16,71% về kim ngạch so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu: Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada…), Châu Âu (Nga, Đức, Bỉ, Anh…), còn lại Châu Á (Trung Quốc, Hồng Kông...). Ngoài ra, vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu khác có kim ngạch xuất khẩu khá, như: Giày dép đạt 169,5 triệu USD (tăng 14% so cùng kỳ); thuốc lá gói xuất khẩu trên 16 triệu USD (tăng 24% về kim ngạch so cùng kỳ).
Nỗ lực về đích
Từ nay đến cuối năm 2024, dự báo xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh tiếp tục khả quan nhờ các thị trường lớn (Trung Quốc, Indonesia, Philippines), các thị trường có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do (khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản), các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng (Hoa Kỳ, các quốc gia Trung Đông) vẫn có nhu cầu lớn. Dù vậy, năm 2024, được dự báo với nhiều cơ hội và thách thức đang xen nhau, như: Cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các DN vận tải thay đổi tuyến vận chuyển. Chính sách nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường lớn theo hướng tăng cường rào cản kỹ thuật (liên quan đến môi trường, chuyển đổi xanh…), áp lực về điều tra phòng vệ thương mại; thời tiết cực đoan… sẽ tác động mạnh mẽ đến xuất, nhập khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Để duy trì đà tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024 là kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,185 tỷ USD. Theo đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai Đề án phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp các sở, ngành tỉnh đề xuất tỉnh về chương trình hợp tác với Tập đoàn logistics của DuBai, nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu tỉnh An Giang khai thác các dịch vụ logistics, giảm chi phí tăng xuất khẩu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xuất khẩu hàng hóa để kịp thời đưa ra dự báo; nghiên cứu tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương rà soát các hiệp định thương mại tự do, điều chỉnh, bổ sung danh mục chủng loại gạo Việt Nam có giá trị, chất lượng cao vào danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan. Tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu, giữ vững thị trường truyền thống, khai thác mở rộng thị trường tiềm năng trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Khai thác mạnh mẽ kinh tế số, góp phần thúc đẩy thương mại, tiêu thụ hàng hóa xuyên biên giới đảm bảo phù hợp điều kiện kinh doanh quốc tế hiện nay. Theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu; kịp thời dự báo, nhận định và triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho DN thích ứng linh hoạt, ổn định và phát triển hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương cũng sẽ cập nhật thường xuyên các mặt hàng được Bộ Công Thương cảnh báo về lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và phối hợp lực lượng chức năng có liên quan (hải quan, biên phòng...) triển khai thực hiện các quyết định của Bộ Công Thương về áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Phối, kết hợp các sở, ngành và Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu An Giang tiếp cận thông tin, tham dự hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về về hội nhập kinh tế quốc tế…
THU THẢO