Để động vật hoang dã được bình yên

14/12/2022 - 06:51

 - Theo xu hướng của cuộc sống, càng hiện đại thì người ta càng yêu thích tìm về sử dụng, tiêu dùng những thứ liên quan đến thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là động vật. Một thời gian dài như thế, động vật hoang dã đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, hệ sinh thái bị phá vỡ thế cân bằng vốn có. Nhưng, thực tại đó chưa đủ sức làm thay đổi tư duy cố hữu của một bộ phận con người…

“Giải cứu” rùa ba gờ từ chợ Công Sự về Vườn quốc gia U Minh Thượng

Có cầu ắt có cung

Người ta truyền tai nhau rằng, động vật hoang dã, từ chim trời cá nước, đến các loài thú trong rừng sâu đều có hương vị đặc trưng, hoặc có thể chữa bệnh nào đó. Phàm những gì quý, hiếm, khi trở thành vật biếu tặng, vật trưng bày trong nhà, thì càng nâng cao vị thế xã hội của người tặng lẫn người được tặng, thể hiện sự sành điệu, chịu chơi, chịu chi.

Vì thế, hoạt động săn bắt, mua bán động vật hoang dã diễn ra nhộn nhịp, từ “chợ” tự phát ven đường, trong quán ăn, đến rao bán trên mạng xã hội. Cầu nhiều lúc vượt cung, muốn mua phải đặt hàng trước. Động vật nào càng quý hiếm thì giá càng được đẩy lên cao chót vót.

Theo Cơ quan Điều tra môi trường quốc tế (EIA), từ năm 2004 đến tháng 4/2019, Việt Nam có hơn 600 vụ bắt giữ liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, bao gồm ít nhất 105 tấn ngà voi, tương đương khoảng 15.779 cá thể voi; gần 1,7 tấn sừng tê giác; da, xương và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ ít nhất 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam, có tới 18.316 vụ vi phạm về động vật hoang dã trong giai đoạn 2005-2020, trong số này, có 2.188 vụ vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn.

Trong một chuyến công tác thực tế cuối tháng 11/2022, chúng tôi ghé chợ Công Sự (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang). Trời mưa lớn, nên hoạt động mua bán tại chợ khá trầm lắng, hàng hóa không được bày bán xôm tụ. Nhưng chúng tôi dễ dàng bắt gặp cả chục cá thể rùa ba gờ được rao bán. Người bán khẳng định chúng được bắt trong rừng, giá chỉ 400.000 đồng/kg. Đây là loài được liệt kê trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, theo các tiểu thương, muốn mua động vật hoang dã nào, cứ đặt hàng, họ sẽ giao tận nơi!

Tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, theo thống kê từ năm 2016 đến năm 2021, lực lượng quản lý bảo vệ rừng vườn quốc gia đã phát hiện, bắt giữ 65 vụ, 103 đối tượng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Qua đó, đã đề nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 53 vụ, 63 đối tượng, xử lý hình sự 5 vụ, 11 đối tượng. Dọc theo vùng đệm vào vườn quốc gia, những bẫy lưới được giăng kín, gần như bắt sống toàn bộ chim bay ngang, theo kiểu tận diệt.

Ông Nguyễn Hoàng Chịa (cán bộ Vườn quốc gia U Minh Thượng) chia sẻ: “Nhận thức của một số người dân sống gần rừng còn hạn chế, nên họ thường vào rừng săn bắt động vật hoang dã, các loài động vật nguy cấp, quý hiếm, gây áp lực đến tài nguyên rừng. Cùng với đó, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, cực đoan, xuất hiện sự xâm lấn của một số loài thực vật ngoại lai, khiến phạm vi hoạt động của động vật hoang dã ngày càng giảm. Những thách thức ấy không dễ tháo gỡ”.

Cần thay đổi tư duy và hành động

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khẳng định: “Buôn bán động vật hoang dã hiện không đơn thuần là mối đe dọa với đa dạng sinh học, với hệ sinh thái, mà còn là nguy cơ đối với sức khỏe con người. Đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến nguy cơ này càng được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết, khi mà một trong những giả định cho rằng virus gây bệnh này có thể có nguồn gốc từ động vật hoang dã”. 

Khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam, được xác định là một trong 5 “điểm nóng” toàn cầu, có nguy cơ rất cao xuất hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi, bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái. Buôn bán và tiêu dùng động vật hoang dã được coi là nguy cơ hiện hữu dẫn đến việc lây truyền dịch bệnh, do sự tiếp xúc không được kiểm dịch giữa động vật và con người.

Trong bối cảnh này, đặc biệt sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, để đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm liên quan tới động vật hoang dã, Chính phủ chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình hình buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam hiện vẫn phức tạp. 

“Nhằm chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước trong đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã thông qua việc thúc đẩy thông tin báo chí, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) tổ chức hội thảo tập huấn “Buôn bán và tiêu dùng động vật hoang dã: nguy cơ sức khỏe con người và hệ sinh thái” cho các phóng viên khu vực ĐBSCL.

Qua đó, chúng tôi mong muốn chia sẻ thông tin và tạo cơ hội để phóng viên tiếp cận với các đề tài liên quan đến động vật hoang dã; mở rộng mạng lưới nhà báo quan tâm và viết về chủ đề buôn bán động vật hoang dã, bảo tồn động vật hoang dã. Sức mạnh truyền thông kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện suy nghĩ và hành động của xã hội trong lĩnh vực này” - ông Nguyễn Văn Thái (Giám đốc SVW) bày tỏ.

Theo báo cáo đánh giá toàn cầu Ủy ban Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái (IBPES) năm 2019, có khoảng 1 triệu loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng với tốc độ gấp nhiều lần so với lịch sử tiến hóa của sinh giới. So với thời điểm đầu thế kỷ XIX, khoảng 20% loài động thực vật trên cạn đã biến mất. Nhiều người cho rằng, loài người đang ở trong đợt tuyệt chủng lần thứ 6. Khác với 5 đợt tuyệt chủng trước đây (đều do các nguyên nhân tự nhiên), lần tuyệt chủng này có nguyên nhân chính là do tác động mãnh liệt của loài người.

GIA KHÁNH