Để du lịch nông nghiệp An Giang “cất cánh”

07/07/2021 - 02:55

 - Là vùng đất có trái ngọt, cây lành và phong cảnh hữu tình, An Giang sở hữu những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch (DL). Trong đó, DL nông nghiệp đang là nguồn “tài nguyên” quý, cần được đầu tư, khai thác đúng tầm để đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành DL.

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh cùng các ngành, địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ để khai thác tiềm năng, thế mạnh của hoạt động DL, trong đó có DL nông nghiệp. Thực tế, nếu DL nông nghiệp được đầu tư bài bản sẽ góp phần cung ứng dịch vụ ẩm thực có tính bản địa độc đáo, hướng đến việc hình thành ký ức sâu sắc cho du khách, kiến tạo cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu tham quan và tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm các hoạt động sinh kế, tập quán của nông dân...

Việc khai thác loại hình DL nông nghiệp còn góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng cư dân bản địa, bảo tồn các giá trị tài nguyên, đa dạng hóa sản phẩm DL cho địa phương. Hiện nay, các tỉnh, thành phố ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng đang dần khẳng định vị thế và tích cực nâng cấp chuỗi giá trị DL nông nghiệp của địa phương tại các vùng nông thôn.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành DL tỉnh đã kết hợp hoạt động sản xuất theo định hướng nông nghiệp sạch để hình thành nhiều chuỗi dịch vụ và sản phẩm DL độc đáo phục vụ du khách. Đồng thời, An Giang còn là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của vùng nông thôn, do đó tỉnh có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm nông nghiệp “xanh” của ĐBSCL và cả nước.

Từ năm 2007 đến nay, An Giang là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai loại hình DL nông nghiệp một cách có đầu tư. Cùng với Lào Cai và Tiền Giang, An Giang đã được Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra) đầu tư phát triển DL nông nghiệp giai đoạn 1 (2007-2009) với kết quả triển khai thực hiện khá thành công. Các chuyên gia Agriterra đánh giá hoạt động của dự án ở An Giang đạt hiệu quả cao nhất.

Du khách nước ngoài thích thú khi trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại An Giang (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19)

Do đó, đến giai đoạn 2 (2011-2014), An Giang tiếp tục nhận được sự đầu tư của Agriterra, góp phần chuyên nghiệp hóa loại hình DL này. Cụ thể, có 600 nông dân được đào tạo các kỹ năng DL, đầu tư cơ sở vật chất từ 75-100 hộ, tăng thu nhập từ 5-12 triệu đồng/tháng cho các hộ nông dân. Theo Hội Nông dân tỉnh, tổng lượt khách tham gia loại hình DL nông nghiệp gần 43.000 lượt, trong đó khách quốc tế trên 1.900 lượt, tổng doanh thu hơn 4,3 tỷ đồng vào năm 2014. Số lượt khách tuy còn khiêm tốn so với tiềm năng hiện có, nhưng là tiền đề để An Giang hướng đến đầu tư khai thác loại hình DL nông nghiệp độc đáo thời gian tới.

Hiện nay, một số đơn vị trong tỉnh đã quan tâm khai thác loại hình DL nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) với diện tích hơn 4ha; vườn sinh thái Út Cưng và tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc)… thường xuyên thu hút hàng trăm lượt du khách đến mua sắm các sản phẩm đặc trưng từ nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, An Giang còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm DL nông nghiệp truyền thống tại các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, cây lúa, thủy sản, như: cù lao Giêng (huyện Chợ Mới); cù lao Tân Trung (huyện Phú Tân), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên)… hứa hẹn là điểm đến thu hút du khách trong tương lai gần.

Dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng loại hình DL nông nghiệp ở An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL mới dừng lại ở mức độ tham quan và ngắm nhìn, chưa có những điểm DL nông nghiệp thật sự chuyên nghiệp. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người nông dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển loại hình DL nông nghiệp. Các địa phương cần có biện pháp hướng dẫn du khách nhận thức cách sử dụng các sản phẩm dịch vụ thân thiện, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến DL nói chung và DL nông nghiệp nói riêng. Chú trọng quy hoạch, xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển các sản phẩm DL gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp truyền thống phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương…

Ở góc độ người nông dân, cần có sự chủ động, thay đổi tư duy để mạnh dạn bắt tay làm DL. Đặc biệt, cần tiếp cận, học hỏi kiến thức, nâng cao kỹ năng phục vụ du khách và có trách nhiệm với môi trường, thân thiện với du khách; giữ gìn, bảo tồn tín ngưỡng văn hóa dân gian của địa phương. Với sự quan tâm của các cấp và ngành chuyên môn, DL nông nghiệp An Giang đang có những bước phát triển tích cực để tham gia vào “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh và góp phần nâng cao đời sống của người nông dân trong thời gian tới.  

THANH TIẾN