Để giá cả hàng hóa không chạy đua theo tiền lương

13/07/2023 - 14:12

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của người lao động, nhất là lương của cán bộ, công chức viên chức. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt.

 

Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản (rau, củ, quả) được trồng tại tỉnh Tây Ninh, phân phối tại hệ thống siêu thị Co.op Mart. Ảnh minh họa: Minh Phú/TTXVN

Nghị định 38/2022/NĐ-CP, ban hành ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động chính thức có hiệu lực từ 1/7. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 tăng từ mức 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng. Mặc dù mức lương tối thiểu tăng phần nào bù đắp được những khó khăn của người lao động, song theo khảo sát của phóng viên, trước và sau khi lương tăng cơ sở, nhiều người chia sẻ, họ cảm thấy không quá vui vì tình trạng “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng, thậm chí còn tăng cao hơn. Tiền lương mà người lao động được tăng không đủ để bù đắp vào chi phí tăng giá của mặt hàng tiêu dùng. Đây là tâm lý chung và phổ biến, bởi từ nhiều năm nay, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, hàng loạt giá cả trên thị trường lại có xu hướng tăng theo.

Chị Trần Thu Hà, nhân viên văn phòng, quận Hoàn Kiếm,  Hà Nội chia sẻ, với những người làm công ăn lương, việc được tăng lương là tin rất vui. Từ 1/7/2023, mỗi tháng thu nhập của chị cũng tăng được thêm gần 1 triệu đồng. Chị Hà cho rằng, tăng lương cũng đồng nghĩa với việc gia đình chị có thêm thu nhập để chi tiêu, cải thiện mức sinh hoạt của gia đình. Tuy vậy, như nhiều người khác, chị Hà trăn trở, việc tăng lương không bù được với giá cả của nhiều mặt hàng tăng theo và có khi tăng trước cả tiền lương.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của người lao động, nhất là lương của cán bộ, công chức viên chức. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt.

Chị Hà cho biết, đầu tiên phải kể tới giá điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Không chỉ giá điện, từ 1/7 giá nước sạch tại Hà Nội tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 trong năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024. Giá điện tăng cũng kéo theo giá hàng loạt nhu yếu phẩm, sinh hoạt tăng.

Chị Trần Thu Nga, ở quận Hai Bà Trừng cho hay, theo quan sát của chị, từ nhiều năm nay, cứ khi nào lương tăng hoặc chuẩn bị tăng thì giá cả hàng hóa, dịch vụ đã lập tức tăng theo. Những người lao động tự do như chị phải chịu thiệt thòi đủ đường. Theo chị Nga, 1 tuần nay đi chợ, giá rau, thịt, trứng thấy tăng nhẹ. Nếu như trước đây, mỗi buổi đi chợ chị tiêu hết từ 150.000- 200.000 đồng thì nay phải tăng thêm 30.000-50.000 đồng mới đủ mua thức ăn cho 2 bữa trong ngày. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, gia đình chị phải cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm, hạn chế đi ăn bên ngoài.

Chị Trần Thúy Hà, công chức tại quận Hoàn Kiếm cho biết, với mức lương 7 triệu đồng/tháng, chị phải lo cho 2 con nhỏ đang tuổi đến trường. Với đồng lương ít ỏi, để đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày, chị Hà phải cân đo đong đếm từng đồng, ưu tiên mua những mặt hàng giá phải chăng và cắt giảm những khoản chi không cần thiết.

Ngoài đội ngũ công chức viên chức, những người lao động tự do và đối tương làm tại các công ty tư nhân là lo lắng hơn cả. Bởi họ không được tăng lương nhưng lại “lĩnh trọn” giá cả tăng theo. Anh Chu Tuấn Linh nhân viên Công ty kinh doanh tư nhân ở Ninh Đàm cho biết, làm tại doanh nghiệp tư nhân nên mức lương của anh vẫn giữ nguyên nhưng gần đây giá điện sinh hoạt tăng, giá nước cũng tăng đi chợ cũng thấy một số mặt hàng thực phẩm tăng đôi chút anh rất lo lắng.  

Nhiều người lao động tự do cho biết, mình đang cố gắng “thắt lưng buộc bụng” khi giá điện, giá nước sinh hoạt đều tăng giá, cả tiền thuê nhà cũng theo. Chị Hà Hoàng – lao công tự do thuê nhà tại ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên cho biết, chị đang thuê nhà giá 2 triệu đồng/tháng, nhưng từ tháng 7 này giá lên 2,5 triệu đồng/tháng…

Nói đến việc tăng lương, nhiều người lao động rất mừng nhưng họ lo lắng về vấn đề giá cả tăng theo. Bởi chưa tăng lương thì giá đã tăng và không cần tăng lương thì giá cũng tăng. Nhiều ý kiến mong muốn, Nhà nước cần có biện pháp quản lý giá hiệu quả để việc tăng giá không làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định: việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023 từ mức 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo.

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đối với mặt hàng xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung; đồng thời, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Theo TTXVN