Đề Hóa khá hay
Đánh giá về đề thi môn Hóa, thầy Trần Phương Duy, giáo viên Hóa Học, trường THCS, THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội; giáo viên Hóa học Hệ thống giáo dục trực tuyến Toliha Learning chia sẻ đề Hóa khá hay, bám sát chương trình THPT hiện hành, đáp ứng tốt hai mục đích của kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp và lấy điểm phục vụ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng toàn quốc.
Thí sinh tham dự bài thi tổ hợp KHTN sáng nay.
Dựa trên tinh thần của đề thi THPT 2018 và đề thi minh họa 2019, có thể thấy đề thi năm nay có độ khó nhỉnh hơn so với năm học trước.
Các câu hỏi từ 41 đến 67 học sinh có thể giải quyết khá dễ dàng với việc nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, câu hỏi 68 có cách tiếp cận mới bằng bảng biểu. Từ câu 74 yêu cầu học sinh có kỹ năng khá để giải bài.
So với đề minh họa, 2018 có 17,5% kiến thức lớp 11, còn lại là lớp 12, hầu như không có lớp 10. Có 62,5% lý thuyết và 37,5% bài tập trong đề minh họa 2019 thay vì tỉ lệ 50:50 của đề thi chính thức 2018.
Các câu hỏi khá đơn giản ở từ khoảng câu 67 đổ lại, bắt đầu nâng cao hơn ở phần giữa và vận dụng cao từ câu 74 đến hết.
Để đạt được điểm cao học sinh cần có sự sâu chuỗi kiến thức theo chiều sâu, biết vận dụng linh hoạt các phương pháp giải toán và tối đa các kỹ năng kỹ xảo rèn luyện trong thời gian ôn thi. Dựa trên cách ra đề môn Hóa năm nay, HS và GV có thể dự đoán được cấu trúc và phân bố các nội dung phục vụ cho kỳ thi THPT trong các năm sắp tới.
Tương tự, thầy Võ Duy Thái, trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM cho hay đề giống cấu trúc đề minh họa 2019 của Bộ.
Với mã đề 27, thí sinh sẽ dễ lấy 6 điểm ở 24 câu đầu tiên (mức độ nhận biết và thông hiểu). Từ câu 65-74 có sự phân hoá rõ rệt theo mức độ khó dần. 6 bài toán cuối rất khó đòi hỏi thí sinh có kỹ năng giải bài tập thật tốt mới xử lý kịp. Phần vận dụng thực tế năm nay cũng xuất hiện rất ít trong đề thi. Phổ điểm có thể chủ yếu tập trung khu vực 7-8 điểm.
Đề Lý "dễ thở"
Đánh giá về môn Lý, thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm, giáo viên trường THPT Ten Lơ Man cho hay, đối với mã đề 223 đề dễ thở hơn 2018, xét theo tiêu chí 7:3 thì đề này hợp lý.
Học sinh nắm được cơ bản dễ dàng làm 20 câu đầu, vận dụng 8 câu, học sinh xuất sắc có thể đạt 36 đến 40 câu. Dự đoán phổ điểm lý năm nay sẽ tăng, dồn về 6 đến 7. Về nội dung: Sát với đề minh họa, kiến thức 11 có mặt ở cả ba mức độ. Kiến thức 11 rơi vào phần điện, từ, quang học (phản xạ toàn phần). Mức độ phân hóa phục vụ cho xét tuyển đại học sẽ rõ rệt từ câu 28 (7đ).
Đề Sinh ngắn gọn
Còn đối với môn Sinh, cô Nguyễn Thị Nga, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, so với năm trước đề ngắn gọn hơn, nếu như năm ngoái 40 câu nay ngắn gọn hơn.
Hình thức đề trình bày đẹp, cấu trúc đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ. Những câu hỏi ở mức cơ bản các bạn học lực trung bình có thể làm được 6 điểm.
Để lấy được điểm 7 trở lên các bạn phải biết vận dụng kiến thức, công thức xử lý mới dễ dàng với những câu cuối. Nói chung đề Sinh năm nay khá hay và phù hợp.
Theo N.QUYÊN-H.PHƯỢNG (Pháp luật TP.HCM)