Theo ông Lê Thành Nhân (Tổng Giám đốc công ty), đơn vị đầu tư nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Ngọc Thiên Phú (tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng), nhằm bảo quản tốt lương thực sau thu hoạch, nâng cao giá trị nông sản, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (thay đổi lần thứ 4, ngày 22/3/2021).
Dự án tiến hành trên khu đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, tổng diện tích gần 25.500m2, tại xã Vĩnh Thạnh Trung (nay là thị trấn Vĩnh Thạnh Trung). Nguồn gốc đất là do trúng đấu giá hơn 4.600m2 (nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất); 20.866m2 đất thuê trả tiền hàng năm (thời hạn thuê đất đến ngày 22/5/2049).
“Dự án kéo dài 30 năm, dự kiến tháng 3/2022 đưa vào hoạt động. Giữa tháng 5/2021, chúng tôi nộp bản vẽ chi tiết 1/500 lên Phòng Kinh tế Hạ tầng Châu Phú, xin phê duyệt quy hoạch để làm các bước tiếp theo. Đầu tháng 2/2022, chúng tôi mới nhận được văn bản của phòng, khẳng định vị trí xin thực hiện dự án “được quy hoạch là khu vui chơi giải trí công cộng, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”, nên “chưa đủ điều kiện cấp phép quy hoạch”.
Trong khi đó, dự án được cấp phép đầu tư năm 2017; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ “đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp”. Chúng tôi rất mong tỉnh, huyện hỗ trợ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, để dự án sớm hoạt động. Càng kéo dài lâu, chi phí phát sinh càng lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời chính thức nào” - ông Nhân bày tỏ.
Ngày 18/4/2022, UBND tỉnh An Giang tổ chức cuộc họp xử lý nội dung liên quan phản ánh của Công ty Ngọc Thiên Phú, có sự tham gia của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo UBND huyện Châu Phú. Báo cáo 914/STNMT-ĐĐ của Sở TN&MT ghi nhận ý kiến UBND huyện Châu Phú: Quốc lộ 91 đoạn thuộc ấp Vĩnh Phú (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung) có nhiều nhà kho, xưởng và nhà dân sinh sống, xảy ra sạt lở vào năm 2019, hiện đang trong tình trạng nguy cơ cảnh báo sạt lở rất cao.
Vì vậy, huyện sắp xếp lại quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp: Quy hoạch xây dựng tuyến cặp sông Hậu thành công viên cây xanh. Hiện nay, huyện đang xúc tiến dự toán xây dựng và triển khai đầu tư công viên, tổng diện tích 6,12ha (trong đó có khu đất 2,54ha của Công ty Ngọc Thiên Phú), tổng mức đầu tư 61,2 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.
Dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Ngọc Thiên Phú được Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 2017, nhưng sau 5 năm vẫn chưa triển khai thực hiện, phần nào gây lãng phí hiệu quả sử dụng đất; huyện không thể triển khai quy hoạch theo định hướng phát triển. Do đó, để tiến hành chỉnh trang đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt, UBND huyện Châu Phú không thể phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án của Công ty Ngọc Thiên Phú.
Theo Sở TN&MT An Giang, khu đất Công ty Ngọc Thiên Phú đầu tư nhà máy chế biến gạo có nguồn gốc như trên. Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án (năm 2017), mục tiêu đầu tư nhà máy phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất huyện Châu Phú giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt. UBND huyện Châu Phú báo cáo khu vực này thuộc đoạn cảnh báo sạt lở nguy hiểm hàng năm (kéo dài từ cầu Vịnh Tre đến thị trấn Cái Dầu), nên quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 là công viên cây xanh (đã được UBND tỉnh phê duyệt).
Xét thấy, việc đầu tư nhà máy gạo tại vị trí này không phù hợp quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 được duyệt, nhưng phù hợp với quy hoạch chung đô thị Vĩnh Thạnh Trung đến năm 2030 (cũng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1095/QĐ-UBND, ngày 15/5/2020).
Hiện nay, đối với khu đất này, công ty vẫn còn thời hạn sử dụng, chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Sở TN&MT An Giang đề xuất UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng hướng dẫn UBND huyện Châu Phú căn cứ tiến độ, lộ trình đầu tư công viên cây xanh tại khu vực này, xem xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho doanh nghiệp theo quy định.
Hiện nay, chưa có kết luận chính thức từ UBND tỉnh An Giang, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ rà soát, tham mưu giải quyết vấn đề này. Rất mong UBND tỉnh An Giang, các sở, ngành liên quan sớm đề ra phương án giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh.
PHÒNG BẠN ĐỌC