Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nêu rõ, qua một thời gian dài thực hiện, Luật Thuế giá trị gia tăng bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, nhiều nội dung không còn phù hợp thực tế.
Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm hoàn thiện chính sách, phù hợp mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Đề án định hướng Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp. Liên quan tới đối tượng không chịu thuế, Điều 5 dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan, đảm bảo nhất quán thuật ngữ, khái niệm quy định tại các luật chuyên ngành (Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Các tổ chức tín dụng...)..., theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.
Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, thì hiện còn một số trường hợp khác (tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất - kinh doanh hàng hóa, hợp tác xã...).
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định trường hợp đã được quy định tại Nghị định 209/2013/NĐ-CP (mà không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra) không phải tính thuế giá trị gia tăng như dự thảo luật xác định.
GIA KHÁNH