Trình bày sự việc với phóng viên Báo An Giang, bà Đỗ Thị Thâu cho rằng, bà được cha, mẹ cho đất đã rất lâu, đến nay không ai tranh chấp, nhưng địa phương không chịu cho cất nhà, dù vợ, chồng bà nghèo, không có nhà ở. UBND thị trấn Óc Eo cho biết, khu vực đất của bà trước đây đã sang nhượng bằng giấy tay cho một số hộ. Đất này đã được bồi hoàn thành quả lao động và Nhà nước đang khai thác sử dụng. Đại diện UBND địa phương từng xác nhận đất của bà có chiều dài cặp lộ là 130m, chiều ngang 30m, là quyền sử dụng đất của bà, chứ không phải là đất công.
Khi gia đình bà làm đơn khiếu nại, lãnh đạo UBND thị trấn đều bác bỏ các ý kiến, không xem xét, giải quyết thỏa đáng, gây thiệt hại nặng nề cho họ. Khi phần đất của gia đình bà bị cưỡng chế, bà xin cất nhà để tạm ở, địa phương không giải quyết, nói “đất là của công do Nhà nước quản lý, sẽ đấu giá bán cho người có nhu cầu”.
Bà Đỗ Thị Thâu
“Ngày 6-8-2018, mẹ tôi (Đỗ Thị Đào) có điềm chỉ của 6 người xác nhận về nguồn gốc đất, đã làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo xem xét. Thay vì làm rõ vụ việc, nhưng vị lãnh đạo này có thái độ không hòa nhã với mẹ con tôi.
Khoảng 9 giờ ngày 6-8, tôi cầm lá đơn của mẹ tôi đến gặp Chủ tịch UBND thị trấn tại phòng làm việc. Ông không chịu tiếp, nói “phần đất là của công, có đi khiếu nại đến 10 năm cũng không ai giải quyết”, rồi kêu tôi đi về.
Lúc 9 giờ ngày 23-8, dù không có quyết định cưỡng chế, nhưng lực lượng của UBND thị trấn đến tháo dỡ căn nhà tôi. Ngày 25-8, tôi bức xúc đến gặp Chủ tịch UBND thị trấn, khiếu nại sự việc trên. Không được giải quyết, tôi đã làm đơn tố cáo gửi nhiều nơi. Đến nay, vụ việc của tôi vẫn chưa được xem xét, giải quyết”- bà Thâu trình bày.
Đại diện UBND thị trấn Óc Eo cho biết, vụ việc trên đã được địa phương xem xét, giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, nhưng phía gia đình bà Thâu không thiện chí hợp tác mà có nhiều ý kiến phản cảm. Chính quyền đề nghị bà trình bày cụ thể, cung cấp cơ sở, chứng cứ nhưng đương sự vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, liên tục khiếu nại, tố cáo.
Về việc này, Phòng Tiếp công dân huyện Thoại Sơn cho biết: “Sau khi nhận đơn của bà Đỗ Thị Thâu, UBND huyện đã thực hiện các bước theo quy định, mời các bên làm việc, cung cấp chứng cứ về nội dung khiếu nại, tố cáo. Khi làm rõ, chúng tôi sẽ có kết luận cụ thể, có biện pháp xử lý”.
Thanh tra huyện Thoại Sơn thông tin thêm: “Thực hiện ý kiến của UBND huyện, Thanh tra, Phòng Tiếp công dân cùng các bộ phận liên quan đã thực hiện các bước theo quy định. Mới đây, địa phương mời bà Đỗ Thị Thâu đến làm việc. Do khiếu nại, tố cáo của bà liên quan đến một số vấn đề, chúng tôi đề nghị bà nói rõ các nội dung, vấn đề khiếu nại, tố cáo, đồng thời cung cấp cơ sở, chứng cứ chứng minh về yêu cầu của mình. Đến khi bà thực hiện theo hướng dẫn, chúng tôi sẽ tiếp tục mời làm việc, xử lý vụ việc”.
Theo quy định của pháp luật, việc khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân, khi phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thì phải báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Khi người tố cáo phát hiện sai phạm, phải làm đơn theo quy định gửi đến cơ quan đúng thẩm quyền. Như vậy, vừa đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, vừa để cơ quan chức năng điều tra, xử lý, đảm bảo tính bí mật và hiệu quả. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo, người bị tố cáo.
Việc tố cáo cần kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan tới nội dung, việc tố cáo đó phải được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận bằng biên bản. Liên quan đến tố cáo, nếu không am hiểu pháp luật, nên đến Hội Luật gia, văn phòng luật sư, Trung tâm Trợ giúp pháp lý để được tư vấn, hướng dẫn, tránh việc tố cáo không đúng”.
Bài, ảnh: N.R