Đề phòng mưa to kèm lốc, sét tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ

15/09/2020 - 07:38

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, ở vùng biển phía đông Phi-li-pin có một vùng áp thấp đang hình thành.

Người dân huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) được đưa đón bằng bè mảng tre qua các điểm ngập úng. Ảnh: THANH SƠN

Theo nhận định, khoảng ngày 16 và 17-9, vùng áp thấp có khả năng đi vào Biển Đông và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Sau đó ATNĐ khả năng tiếp tục mạnh lên thành bão, di chuyển về đất liền nước ta.  Cũng theo dự báo, khoảng giữa tuần này, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh tràn xuống miền bắc đẩy rãnh áp thấp qua khu vực Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và ATNĐ/bão nên ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to đến rất to, kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh.

* Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, những ngày qua khu vực miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên rải rác có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40 đến 60 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Vị Xuyên (Hà Giang) 115 mm, Đại Từ (Thái Nguyên) 80 mm, Phúc Yên (Vĩnh Phúc) 135 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 106 mm, Con Cuông (Nghệ An) 138 mm... Mưa, lũ  đã làm hai người chết, 68 nhà dân bị sập, tốc mái, 3 ha lúa bị ngập úng; 3,3 ha ao nuôi cá bị thiệt hại. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình thiên tai, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

* Ngày 14-9, do ảnh hưởng của mưa lớn cho nên xảy ra sạt lở tại Km108+800 đến Km109+250 trên tuyến quốc lộ 279 thuộc địa phận xã Na Ư, huyện Điện Biên (Điện Biên) gây ách tắc giao thông cục bộ. Hiện nay, cơ quan chức năng đang huy động lực lượng, máy móc khắc phục sự cố nhằm giải tỏa giao thông trong thời gian sớm nhất.

* Ngày 14-9, tại huyện Lục Yên (Yên Bái) tiếp tục có mưa to ảnh hưởng tới 17 nhà dân, nhiều đoạn đường giao thông bị sạt lở. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm ngập lụt ở các xã Khánh Thiện, Mai Sơn, Lâm Thượng, Tân Phượng, Mường Lai, Minh Tiến. Hiện nay, lực lượng chức năng đã cử người canh gác tại những nơi bị ngập, ngầm tràn, đồng thời thống kê thiệt hại để hỗ trợ nhân dân. 

* Đêm 13 và sáng 14-9, tại hai huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) tiếp tục có mưa to làm ảnh hưởng gần 80 nhà dân, gần 350 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, một số tuyến đường liên xã bị sạt lở đất với khối lượng hàng trăm mét khối, gây ách tắc giao thông cục bộ.

* Mưa lớn kèm dông, lốc trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã làm 15 nhà dân tại xã Tân Linh bị tốc mái và 30 m tường rào Trường tiểu học Tân Linh bị đổ sập. Ước tính thiệt hại hơn 150 triệu đồng. 

* Tại xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mưa lớn kèm gió giật mạnh làm 18 nhà dân bị tốc mái. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

* UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng một tuyến kè biển dài 215 m dọc bờ biển Mỹ Quang Nam kết hợp kè biển An Chấn nhằm giảm tình trạng xâm thực, ngăn chặn sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền, bảo vệ nhà cửa, tính mạng và tài sản nhân dân.

* UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu các địa phương phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lắp đặt các mốc cảnh báo lũ tại 253 điểm xung yếu, ngầm, cầu tràn trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 300 điểm xung yếu khi xảy ra mưa lũ, trong đó 77 điểm đã được lắp đặt mốc cảnh báo lũ.

* UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở bờ tây sông Cần Lố, đoạn từ cầu Cái Vừng đến Trường tiểu học Nhị Mỹ, thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh với chiều dài 210 m. Trước đó, tại xã Nhị Mỹ, xảy ra vụ sạt lở bờ sông Cần Lố làm hai nhà dân bị cuốn trôi, hỏng hơn 50 m đường nhựa.

* Tại tỉnh Tuyên Quang có hơn 1.900 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn; 42,5 ha bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ; 133,7 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng... Ngành nông nghiệp đang đề nghị các địa phương tăng cường điều tra, dự tính, dự báo, hướng dẫn nhân dân phòng, trừ, hạn chế sâu, bệnh gây hại lan rộng.

* Ðến nay, nhân dân TP Cần Thơ đã thu hoạch hơn 20 nghìn ha lúa vụ thu đông 2020, năng suất ước đạt 52,84 tạ/ha cao hơn 2,82 tạ/ha so với vụ thu đông trước. Ngành nông nghiệp Cần Thơ  khuyến cáo nhân dân tập trung thu hoạch diện tích lúa chín nhằm tránh bị ảnh hưởng của mưa bão.

* Hiện nay, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thu hoạch hơn 30.200 ha lúa hè thu, năng suất bình quân đạt 58,7 tạ/ha. Những địa phương có năng suất lúa bình quân cao như: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ, TP Quảng Ngãi.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng vừa phối hợp các cơ quan liên quan tiêu hủy 255 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng gần 5.500 kg. Đây là số lợn được phát hiện bị nhiễm bệnh khi vận chuyển qua địa bàn tỉnh.

Theo Báo Nhân Dân