Thời tiết bất thường
Trước đây, vào những tháng cuối năm, khi lũ đã cơ bản rút, lượng mưa giảm, nông dân yên tâm xuống giống vụ đông xuân. Do thời tiết thuận lợi, đất được rửa sạch, bồi đắp phù sa sau lũ nên vụ đông xuân là vụ lúa có năng suất, chất lượng tốt nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay lũ đạt đỉnh từ tháng 9 và rút sớm từ đầu tháng 10, lượng mưa giảm nhiều nhưng từ cuối tháng 10 đến tháng 12-2018, lại xuất hiện đến 3 cơn bão. Nếu cơn bão số 7 (Yutu) hình thành trên khu vực Biển Đông từ ngày 28-10, đi vào khu vực Bắc Biển Đông sau đó suy yếu thành vùng áp thấp thì bão số 8 (Toraji) có mức độ nguy hiểm hơn. Bão số 8 hình thành chiều 17-11 trên khu vực Nam Biển Đông. Đến sáng 18-11, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi di chuyển sát vùng bờ biển các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, gây gió giật mạnh vùng biển ngoài khơi và trên đất liền. Đối với bão số 9 (Usagi), sau khi hình thành chiều 22-11 ở khu vực Đông Nam Biển Đông, đi qua đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), bão tiếp tục đi sát vào vùng bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sau khi đi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi vào Đông Nam Bộ và suy yếu dần. Bão số 9 đã gây gió mạnh cấp 7-8, gió giật mạnh cấp 9 ở Phan Thiết và Vũng Tàu; các khu vực ven biển từ Khánh Hòa đến Bến Tre có gió giật mạnh cấp 6-7. Những tỉnh phía trong đất liền như: An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ… bị ảnh hưởng mưa, giông, gió giật mạnh.
Mùa khô 2018-2019 sẽ khắc nghiệt hơn mùa khô 2017-2018
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lưu Văn Ninh cho biết, dù xuất hiện bão cuối mùa nhưng trong tháng 10, 11-2018, nhiệt độ trung bình ở An Giang cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,4-0,6oC, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 từ 0,2-0,4oC. Trong khi đó, tổng lượng mưa tháng 10, 11 cũng thiếu hụt so với cùng kỳ 2017 và TBNN.
Cần chủ động ứng phó
Diễn biến thời tiết những tháng cuối năm 2018 cảnh báo một mùa khô khắc nghiệt năm 2019. Ông Ninh cho biết, từ tháng 10 đến giữa tháng 12-2018, mực nước ở trung thượng lưu sông Mekong xuống dần và ở mức thấp hơn từ 0,5-1m, hạ lưu thấp hơn từ 0,8-2,2m so với TBNN. Tổng lượng dòng chảy thấp hơn TBNN từ 20-25%. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước dao động theo triều với xu thế xuống dần và ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2017 từ 0,25-0,4m, thấp hơn TBNN từ 0,1-0,35m. Vùng hạ lưu sông tại Vàm Nao, Chợ Mới, Long Xuyên, mực nước thấp hơn cùng kỳ từ 0,1-0,4m, thấp hơn TBNN từ 0,1-0,2m. Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước xuống nhanh ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2017 từ 0,2-0,5m, thấp hơn TBNN từ 0,6-0,7m.
Theo ông Ninh, hiện tại, ENSO đang ở trạng thái nghiêng về pha El Nino. Các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới cho thấy, xu hướng tăng nhanh của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái El Nino trong nửa đầu năm 2019 với xác suất 80-90%.
Do vậy, nhiệt độ trong tháng 1-2019 được dự báo phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ nhưng từ tháng 2 đến tháng 6-2019, nhiệt độ cao hơn TBNN từ 0,5-1oC. Tháng 1-2019, tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN. Nửa cuối tháng 12-2018 đến tháng 1-2019, do hoạt động của dải áp thấp xích đạo ở phía nam Biển Đông có xu hướng hoạt động mạnh lên, có thể tác động đến thời tiết khu vực tỉnh An Giang và gây ra các đợt mưa trái mùa. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến tháng 4-2019, tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn so với TBNN. Sang tháng 5, tháng 6-2019, lượng mưa mới trở lại xấp xỉ TBNN. Từ cuối tháng 12-2018 đến tháng 6-2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mekong về khu vực sông Cửu Long ở mức xấp xỉ TBNN nhưng mực nước trên các sông, kênh thuộc tỉnh An Giang biến đổi chậm, ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với TBNN từ 0,1-0,3m.
Ông Ninh cảnh báo, từ tháng 2 đến tháng 4-2019 (cao điểm mùa khô), khả năng ít mưa cộng với mực nước sông, kênh xuống thấp nên nước mặn từ vùng cửa sông tỉnh Kiên Giang có thể xâm nhập vào nội đồng tỉnh An Giang sớm hơn so với mùa khô 2017-2018. Các địa phương vùng cao và giáp ranh Kiên Giang cần chủ động phòng, chống hạn hán và nước mặn xâm nhập, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN