Để tiếng đờn ca còn… vang mãi!

23/01/2020 - 04:39

 - Dành trọn một đời với nghệ thuật dân tộc đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, những nghệ nhân ưu tú không những luôn giữ trọn đam mê với từng lời ca, điệu lý mà còn
nuôi dưỡng ước mơ “truyền lửa” cho thế hệ mai sau. Và, hành trình rèn luyện, ươm mầm tình yêu đối với bộ môn nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ trẻ đôi lúc lại “chở nặng” những tâm tư, hoài bão với mong ước gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.

Cháy mãi “lửa” đam mê!

với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam tỉnh An Gian, nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh (tên thường gọi sáu Lơn) cho biết, đờn ca tài tử không còn là đam mê mà đã ngấm vào từng nhịp thở của mình tự bao giờ.

Trong cái se lạnh những ngày chớm xuân, tôi có dịp trò chuyện cùng nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh, nghe ông tâm sự, bày tỏ những tâm huyết dành cho môn nghệ thuật dân tộc bằng tất cảm tình yêu và khát vọng.

“Từ thuở lên 7, lên 8, tôi đã biết đôi chút về ca. Chắc do di truyền từ ba- một người khá tài hoa và đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử. Mỗi lần theo ba đi giao lưu đờn ca tài tử, tôi đều “xin” được ca mới chịu. Cứ thế, “máu” đờn ca vận vào tâm trí tôi tự lúc nào!” - nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh tâm sự .

Rồi chàng trai đam mê đờn ca tài tử năm ấy tham gia kháng chiến (năm 1968). Ông vào Đoàn văn công huyện, rồi gia nhập Đoàn văn công tỉnh. Những năm 80, nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh gắn bó với Nhà hát nghệ thuật tổng hợp với vai trò giám đốc.

Năm 1990, qua nhiều thăng trầm, Đoàn nghệ thuật cải lương An Giang giải thể, nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh tiếp tục công tác ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Về hưu, ông vẫn gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử. 

Với ông, đờn ca tài tử đã trở thành “người bạn tri kỷ”, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Điều này được minh chứng qua việc vợ chồng nghệ nhân sẵn sàng đứng lớp giảng dạy miễn phí cho các em nhỏ ở Câu lạc bộ đờn ca tài tử thiếu nhi (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh). 

“Lửa đam mê” là điều cần thiết khi gắn bó với đờn ca tài tử (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng dành trọn đam mê cho bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hùng (sinh năm 1959, ngụ ấp Trung Bình Tiến, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang) xem đờn ca tài tử như “máu và thịt” của mình.

Được bạn bè, thân hữu gọi thân thương là “Mù Lem” hay “tư Lem”, người nghệ nhân ấy đã vượt lên số phận, chiến thắng bản thân khi vinh dự được phong tặng nghệ nhân ưu tú, dù đôi mắt bị khiếm khuyết.

Đến thăm nhà chú tư Lem, từ xa đã nghe tiếng đờn ca tài tử ngân vang giai điệu ngọt ngào, sâu lắng. Chủ nhật hàng tuần, các thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Vĩnh Trạch tập hợp tại nhà chú tư để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Xen lẫn những điệu đờn ca ấy là câu chuyện xúc động mà mọi người chia sẻ với chúng tôi về nghị lực vươn lên của “Mù Lem”.

Sau cơn bạo bệnh thuở lên 5, chú tư Lem vĩnh viễn mất đi ánh sáng. Nhưng sự đứng lên và hành trình tìm đến danh hiệu nghệ nhân ưu tú ở chú tư Lem mới khiến nhiều người khâm phục.

Tự mày mò học hỏi, chú tư Lem hiện thông thạo khoảng 6 loại nhạc cụ dân tộc gồm: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò... Không chỉ đờn hay, hát giỏi, nghệ nhân tư Lem còn sáng tác hàng trăm bài ca cổ.

Nể phục hơn khi ông là người “không hề biết chữ” mà các sáng tác lại mang nặng tình yêu quê hương, ca ngợi tình cảm lứa đôi, nghĩa vợ chồng, đặc biệt là gần gũi với những đề tài dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Nguyện là người… “truyền lửa”!

Với mong muốn đào tạo lớp thế hệ trẻ kế thừa bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, vợ chồng nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh và Phương Hồng Thắm không quản thời gian, công sức để chỉ dạy từ căn cơ đến chuyên sâu cho những học viên theo học lớp đờn ca tài tử miễn phí cho thiếu nhi (được mở vào tháng 6-2017).

Đến tháng 6-2019, trên cơ sở lớp học đờn ca tài tử đã phát triển thành Câu lạc bộ đờn ca tài tử thiếu nhi. Gần 10 học trò được vợ chồng chú sáu Lơn nuôi dưỡng niềm đam mê đờn ca tài tử bằng cả tấm lòng và sự nhiệt huyết. Ở đó, bé nhỏ nhất chỉ mới 5 tuổi hơn, lớn nhất cũng ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.

Chung niềm khắc khoải với nghệ thuật đờn ca, nghệ nhân ưu tú tư Lem luôn đau đáu những suy nghĩ, trăn trở về lớp thế hệ kế thừa. “Theo tôi, đờn ca tài tử không chỉ là nghệ thuật thuần túy mà còn là bản sắc văn hóa dân tộc. Thế nên, việc tìm và đào tạo lứa thế hệ trẻ có đủ đam mê để “tiếp lửa” là việc rất cần thiết. May mắn là tôi đang có 3 em theo học. Đó là niềm an ủi và tự hào dành cho bản thân. Vì các em đã tin tưởng chọn mình, với vai trò là người “truyền lửa” tôi sẽ phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của học trò” - chú tư Lem nói với vẻ chất phác.

“Tiếng lòng” của lớp thế hệ kế thừa…

Đều đặn mỗi sáng chủ nhật, Câu lạc bộ đờn ca tài tử thiếu nhi sẽ luyện giọng, tập dợt tại nhà chú sáu Lơn. Nhà ở tận huyện Châu Phú, nhưng em Trần Kim  Thoa (15 tuổi) tỏ ra rất hăng hái, tham gia khá đều lớp học đờn ca tài tử.

“Em rất yêu thích đờn ca tài tử, mỗi lần văn nghệ ở trường em đều đăng ký tham gia. Thời gian qua, em được mở rộng kiến thức về đờn ca rất nhiều. Ngoài mạnh dạn tham gia thi vòng trường, em còn tự tin thi ở huyện và đạt thành tích khá cao.

Không chỉ được học bài bản về nhịp điệu, xướng âm, lấy hơi, nhả chữ… em còn được thầy cô tận tình chỉ dạy đạo lý làm người. Ước mơ của em là trở thành nghệ sĩ cải lương. Để vươn tới điều đó, từ bây giờ em sẽ chăm chỉ học tập những kiến thức quý báu từ thầy cô!”- em Trần Kim Thoa (Trường THCS Cái Dầu, Châu Phú, An Giang) tự hào nói.

“Cái nôi” ươm mầm cho những ước mơ nhí của vợ chồng nghệ nhân ưu tú sáu Lơn giờ được nhiều người biết đến. Nhiều em đã sớm khẳng định “tên tuổi” với những cái tên như: Thu Hà, Khả Ái, Hoàng Quốc, Hồng Yến, Kim Thoa, Cẩm Tú… Với người “truyền lửa”, đó là niềm tự hào rất lớn.

Chính những lần theo chân mẹ tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử, em Dương Hoa Ngọc Ánh (học sinh lớp 9, Trường THCS thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) đã nhen nhóm niềm đam mê với đờn ca tài tử.

Ngọc Ánh bày tỏ: “Nghe mẹ và cô chú trong câu lạc bộ đờn ca tài tử hát, đờn rất hay. Từ chỗ theo mẹ cho vui, em dần yêu thích và xin mẹ dạy mình hát. Thế là, mẹ dẫn em đến học nghề từ nghệ nhân ưu tú tư Lem. Nhờ học ở thầy mà đợt thi văn nghệ ở trường gần đây nhất, em đạt giải nhất với bài ca cổ “Nhớ mãi ơn thầy”. Em sẽ cố gắng tiếp thu tốt nhất những kiến thức từ thầy và nuôi dưỡng tình yêu đối với đờn ca tài tử!”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN