Quang cảnh hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM, việc tạo động lực để doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm chuyển đổi, phát triển thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vì kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cho nên cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết nhưng chưa đủ.
Hơn nữa, việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý chặt chẽ, có cả tính động lực và an toàn cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp Việt Nam cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn như chuyển đổi năng lượng xanh trong hợp tác quốc tế.
“Các ngành được lựa chọn thử nghiệm phải có không gian đủ rộng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt ưu tiên các ngành có thể sớm tạo động lực cho phục hồi tăng trưởng thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn. Các công cụ chính sách được thử nghiệm cũng phải bảo đảm tập trung, thực chất, tránh tràn lan để đếm số lượng”, ông Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Soạn thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết: Sau khi lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương về các nội dung của dự thảo Nghị định, CIEM thống nhất đề xuất áp dụng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn cho 4 lĩnh vực của nền kinh tế.
Đó là nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng. Đây là những lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng là cách hiểu và tư duy quản lý đối với các lĩnh vực tham gia cơ chế thử nghiệm không nên và không thể chỉ dựa vào tư duy quản lý ngành truyền thống.
Vì các mô hình kinh tế tuần hoàn mới, hiện đại có thể có sự gắn kết của nhiều hoạt động kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử, dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể bao gồm các cấu phần về năng lượng sinh khối, dịch vụ chế biến nông sản… sẽ gắn với công nghiệp, dịch vụ. Nếu vẫn theo tư duy truyền thống sẽ khó tạo không gian cho sự phát triển.
Chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Cộng hòa Liên bang Đức, bà Mira Nagy, Trưởng nhóm Hợp phần tại Việt Nam, Dự án toàn cầu Hướng tới sự tuần hoàn thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết Chính phủ nước này đang xây dựng Chiến lược kinh tế tuần hoàn quốc gia, dự kiến đưa ra vào năm 2024.
Câu hỏi lớn đặt ra khi nghiên cứu mô hình kinh tế tuần hoàn ở Đức là ngành nào sẽ trở thành chìa khóa cho kinh tế tuần hoàn. Sau giai đọan nghiên cứu, có 8/9 lĩnh vực chính của nền kinh tế được lựa chọn.
Đó là các lĩnh vực xây dựng công trình và kỹ thuật dân dụng; xe cộ và ắc quy; thiết bị gia dụng và công nghệ thông tin truyền thông; lương thực, thực phẩm; dệt may; đóng gói; nội thất và ngành chiếu sáng. Danh sách các ngành được chọn để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn của Đức khá tương đồng với Việt Nam.
Hình thành khung chính sách ưu đãi
Theo bà Mira Nagy, cơ chế thử nghiệm sẽ cộng hưởng với một số biện pháp được khuyến nghị như biện pháp tài chính tuần hoàn, thiết lập các ưu đãi cho doanh nghiệp, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển và củng cố các chuỗi giá trị địa phương.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương cho biết cơ quan soạn thảo đề xuất 6 nhóm chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đó là chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phân loại xanh; chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai.
Cụ thể, về chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế, CIEM đề xuất cho phép dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm có các cấu phần công nghiệp-năng lượng và dịch vụ với tổng tỷ trọng ít nhất 50% trong tổng doanh thu được phép thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Đối với chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được Nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ; hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn…
Về chính sách phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm; hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không vượt quá 3 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm…
Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng là một nội dung quan trọng của khung chính sách thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, CIEM đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn được tiếp cận các nguồn vốn thông thường và vốn xanh; dự án tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh nhưng có đặt ra các giới hạn cụ thể và bảo đảm các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu.
Liên quan đến chính sách đất đai, tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phép sử dụng đất mục đích hỗn hợp, tích hợp đa năng bao gồm cả phần mái, mặt nước, hàng rào xung quanh bên trong ranh giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm.
CIEM cũng đề xuất chính sách cho tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đối với phần đất trong ranh giới, chỉ giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn đã được cấp giấy chứng nhận tham gia cơ chế thử nghiệm...
Theo TÔ HÀ (Nhân dân)