Nhiều trường hợp khám, chữa bệnh hưởng 100%
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 chính sách lớn. Trong đó, điều chỉnh phạm vi mức hưởng, tỷ lệ chi trả BHYT đối với một số trường hợp không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.
Cụ thể, bệnh nhân được thanh toán 100% BHYT khi tự đến cơ sở KCB thuộc chuyên môn kỹ thuật cao hơn ở địa phương, hoặc địa phương giáp ranh trong trường hợp cơ sở đăng ký chuyên môn kỹ thuật ban đầu, cơ sở KCB cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn liền kề không đủ năng lực, phạm vi hoạt động chuyên môn đối với một số dịch vụ kỹ thuật, một số bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Tham vấn sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế
Một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao đến KCB tại cơ sở có chuyên khoa thuộc cấp KCB cơ bản, chuyên sâu được thanh toán BHYT 100%. Trường hợp chẩn đoán xác định đối với một số bệnh mạn tính chuyển về cơ sở KCB đăng ký BHYT ban đầu, hoặc cấp KCB ban đầu để quản lý, cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng cho cơ sở KCB thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn cũng được thanh toán BHYT 100%.
Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo với người bệnh là gánh nặng cho gia đình nhiều năm, thậm chí suốt đời. Dù đã có BHYT, người bệnh gặp cảnh khốn cùng, còn người không BHYT thường "bỏ cuộc" vì không gánh nổi chi phí quá lớn, thời gian điều trị dài. Theo Bộ Y tế, đến nay, tổng số người tham gia BHYT đạt khoảng 93 triệu người, tương ứng tỷ lệ bao phủ trên 93,3% dân số. Qua đó, đề xuất quy định hưởng BHYT 100% cho trường hợp không phải theo trình tự, thủ tục KCB BHYT, phân cấp chuyên môn kỹ thuật.
Cần đa dạng hóa gói bảo hiểm y tế
Dự thảo Luật BHYT quy định, chính sách BHYT mang tính chất tự nguyện do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực thi; BHYT bắt buộc là điều kiện bổ sung nhằm mở rộng đối tượng cùng tham gia, được tích hợp thông tin trên thẻ BHYT bắt buộc khi đi KCB. BHYT bổ sung không trùng với phạm vi, mức hưởng của BHYT bắt buộc, người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế, được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.
Đơn cử, BHYT bổ sung sẽ chi trả dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, khám - chẩn đoán, sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh… Việc này sẽ góp phần giảm tỷ lệ chi tiền túi của người KCB từ 43% hiện nay còn khoảng 23% vào năm 2025. Gói BHYT bổ sung là BHYT thương mại, mang tính tự nguyện, áp dụng cho người tham gia BHYT bắt buộc, phát huy vai trò kết nối giữa BHYT bắt buộc và BHYT thương mại. Đây là đề xuất mang tính nhân văn, nhằm giảm chi tiền túi của người dân khi KCB.
Nước ta hiện có 2 hình thức BHYT. Trong đó, BHYT bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện, cùng các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT. Quỹ BHYT chi trả chi phí KCB, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng. Còn BHYT thương mại là sản phẩm của công ty bảo hiểm, hoạt động có lợi nhuận theo luật, được thiết kế phù hợp với mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo điều kiện và nhu cầu của người đó.
Tại tọa đàm “Chính sách BHYT bổ sung trong dự án Luật BHYT” của Bộ Y tế, quy định về gói BHYT bổ sung là một trong những nội dung đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh tỷ lệ chi tối đa Quỹ BHYT từ 5% xuống 4%, phần 1% bổ sung vào Quỹ KCB.
Với đề xuất này, ước tính mỗi năm Quỹ KCB được bổ sung khoảng 1.100 tỷ đồng. Từ đó, tập trung triển khai đồng bộ giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân, điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đồng thời, đa dạng hóa gói BHYT, tăng cường liên kết giữa BHYT bắt buộc và BHYT thương mại.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang, đối với người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, BHYT và các gói bảo hiểm bổ sung là phao cứu sinh cho họ. Đề xuất trên vừa giúp người dân sẽ giảm chi phí do phải khám nhiều lần, ở nhiều cấp, vừa tiết kiệm tiền đi lại và chỉ chi trả trong trường hợp phải tự đi KCB vượt cấp.
Đồng thời, đề xuất cũng có tác động tích cực đến cơ sở KCB, doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, do người dân sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn, góp phần tăng doanh thu, cải thiện thu nhập của cán bộ ngành y tế. Tuy nhiên, chính sách này có thể có tác động tiêu cực là do tăng chi từ Quỹ BHYT, nhưng chi phí này sẽ được bù đắp bởi lợi ích của chính sách mang lại, việc tiết kiệm Quỹ BHYT trong tương lai.
Liên quan việc này, một số đại biểu đề nghị, Bộ Y tế đề xuất Quỹ BHYT ưu tiên mở rộng chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm 6 căn bệnh, gồm: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C, B.
N.R