Đề xuất mới nhằm tăng lượng người sử dụng dịch vụ Mobile Money

15/04/2022 - 08:55

Sau 4 tháng triển khai, đã có hơn 1 triệu thuê bao đăng ký, sử dụng Mobile Money. Trong số này, có 60% người dùng đến từ khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đề xuất Bộ Công An cho phép Viettel được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chuẩn hóa thông tin thuê bao và phục vụ phát triển Mobile Money.

Cụ thể, theo khuyến nghị của Bộ Công An, Viettel đã nghiên cứu giải pháp kết nối hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư để định danh khách hàng chính xác và hiệu quả khi triển khai Mobile Money.

Viettel kiến nghị sau khi các doanh nghiệp viễn thông được triển khai kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) để xác thực và định danh khách hàng, những thuê bao đã được doanh nghiệp viễn thông thực hiện đối chiếu và xác thực thông tin với CSDLQGVDC sẽ được phép đăng ký tài khoản Mobile Money. 

Hiện 60% người dùng Mobile Money đến từ khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây cũng là nhóm đối tượng chính được dịch vụ này hướng đến.

Theo nhà mạng Viettel, đề xuất vừa đưa ra sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục cung cấp dịch vụ Mobile Money cho khách hàng, góp phần triển khai nhanh Mobile Money và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trả lời đề xuất này, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trước đây, để đảm bảo quy định định danh khách hàng đăng ký và sử dụng Mobile Money, Bộ TT&TT đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phải giải quyết được cơ bản tình trạng thông tin thuê bao không chính xác trước khi xin phép triển khai thí điểm dịch vụ. Đồng thời, quy định về đối tượng khách hàng tại dự thảo QĐ 316 đã được lấy ý kiến các doanh nghiệp và thống nhất quy định trước khi triển khai.

Đối với việc kết nối với CSDLQGVDC để xác minh, chuẩn hóa, xử lý dữ liệu thông tin thuê bao và phát triển Mobile Money, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp báo cáo cụ thể thực trạng, nguyên nhân, khó khăn vướng mắc và kết quả đạt được nếu sử dụng kết quả xác minh thông tin thuê bao qua CSDLQGVDC để phát triển Mobile Money. 

Điều này phải dựa trên số liệu cụ thể đánh giá thực tế qua thời gian triển khai Mobile Money. Qua đó, đưa ra đánh giá việc khi thông tin đã chính xác thì phát triển Mobile Money có thực sự bùng nổ hay không, tránh trường hợp mở ra nhưng không thực hiện được như kỳ vọng.

Hiện dịch vụ Mobile Money đã triển khai được 4 tháng với khoảng hơn 1 triệu người sử dụng. 

Hiện nay theo tổng hợp báo cáo từ 3 doanh nghiệp, đến hết tháng 2/2022 chỉ có 9,6% các trường hợp đăng ký Mobile Money không thành công do chưa cập nhập thông tin CCCD mới trên CSDL thông tin thuê bao.

Ngoài ra, 14,5% trường hợp khách hàng không cung cấp lại giấy tờ tùy thân, không đồng ý chụp ảnh chân dung. 3,2% số trường hợp không thành công do sử dụng công nghệ AI, Bigdata và 6% không đủ điều kiện có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng.

Bên cạnh đó, Cục Viễn thông cũng đề nghị doanh nghiệp báo cáo về phương án quản trị rủi ro nhằm đảm bảo chính chủ khách hàng khi sử dụng kết quả xác minh qua CSDLQGVDC để đăng ký mà không yêu cầu cung cấp thông tin và không áp dụng điều kiện thời gian sử dụng >=3 tháng.

Mobile Money là hình thức thanh toán tiền thông qua tài khoản di động. Hình thức thanh toán này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới trước khi được triển khai tại Việt Nam. 

Ngoài kiến nghị của Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đề xuất việc xem xét bỏ quy định thuê bao 3 tháng mới được đăng ký Mobile Money tại Quyết định 316/QĐ-TTg ngày /3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để tăng khả năng khách hàng tiếp cận sử dụng dịch vụ.

Trả lời vấn đề này, Cục Viễn thông cho biết, trước đây, trong quá trình làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công An xây dựng nội dung và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc thí điểm dịch vụ Mobile Money, quy định về thuê bao phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong vòng 3 tháng đã được lấy ý kiến các doanh nghiệp và thống nhất đưa vào quy định để triển khai. 

Ngoài ra, để đảm bảo quy định định danh khách hàng đăng ký và sử dụng Mobile Money, Bộ TT&TT đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phải giải quyết được cơ bản tình trạng thông tin thuê bao không chính xác trước khi xin phép triển khai thí điểm dịch vụ.

Theo Cục Viễn thông, hiện Bộ Công An đã triển khai cơ sở dữ liệu dân cư, do đó có thể phối hợp sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) của Bộ Công An để đối soát. 

Cục Viễn thông đã có ý kiến đề nghị doanh nghiệp có báo cáo cụ thể phương án kết nối với CSDL của Bộ Công An, đề xuất cụ thể giải pháp đối soát thông tin định danh, đảm bảo KYC được khách hàng khi mở tài khoản Mobile Money để có sở cứ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Bộ TT&TT sẽ tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp, phối hợp với Bộ Công An và Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo TRỌNG ĐẠT (Vietnamnet)