Đề xuất quy định mới về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
01/04/2025 - 19:58
Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
AA
Bộ Nội vụ đề xuất quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Dự thảo nêu rõ, nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, trong đó năng suất lao động tính theo hướng dẫn tại Phụ lục dự thảo.
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp để loại trừ khi xác định tiền lương, thù lao được quy định tại Điều 4 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, trong đó việc tính toán tác động của yếu tố khách quan phải được lượng hóa thành giá trị, số liệu cụ thể theo nguyên tắc: yếu tố khách quan làm tăng năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thì phải giảm trừ, yếu tố khách quan làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thì được cộng thêm vào năng suất lao động, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương, thù lao.
Quản lý lao động, thang lương, bảng lương
Theo dự thảo, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lao động, tuyển dụng, sử dụng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.
Việc xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP, trong đó đối với doanh nghiệp đã xây dựng thang lương, bảng lương của người lao động, Ban điều hành, Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP thì được quyền tiếp tục thực hiện theo thang lương, bảng lương hiện hành của doanh nghiệp. Trường hợp thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới thang lương, bảng lương.
Xác định quỹ tiền lương
Về tiền lương của người lao động và Ban điều hành, tại dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất quy định xác định quỹ tiền lương thông qua mức lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định và xác định quỹ tiền lương đối với một số trường hợp, tạm ứng, dự phòng và phân phối tiền lương.
Trong đó, xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định, dự thảo đề xuất quy định như sau:
Đơn giá tiền lương ổn định (*)
Đơn giá tiền lương ổn định (đơn giá) được xác định bằng tổng tiền lương của các năm liền trước năm đầu tiên áp dụng đơn giá chia cho tổng các giá trị chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, trong đó:
Tổng tiền lương là tổng quỹ tiền lương thực tế thực hiện của người lao động và Ban điều hành của các năm liền trước năm đầu tiên áp dụng đơn giá (tính theo năm tài chính). Đối với doanh nghiệp xác định đơn giá mà phải sử dụng các quỹ tiền lương thực hiện từ năm 2024 trở về trước thì quỹ tiền lương thực hiện từ năm 2024 trở về trước gồm quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và phần tiền lương thực tế đã chi trả cho Ban điều hành và tiền thưởng an toàn đối với doanh nghiệp đang thực hiện chế độ thưởng an toàn (nếu có).
Số các năm liền trước bằng số năm doanh nghiệp dự kiến áp dụng đơn giá (tối thiểu 02 năm, tối đa 05 năm).
Tổng các giá trị chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp lựa chọn theo tổng sản phẩm, sản lượng (kể cả sản phẩm, sản lượng quy đổi) hoặc tổng doanh thu hoặc tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương hoặc lợi nhuận hoặc chỉ tiêu khác phản ánh được đặc điểm, tính chất, hao phí lao động của người lao động) thực tế thực hiện của các năm liền trước năm đầu tiên áp dụng đơn giá (tính theo năm tài chính).
Xác định quỹ tiền lương thực hiện
Quỹ tiền lương theo đơn giá được xác định theo công thức sau:
QTLĐG = ĐG X TCTĐGTH
Trong đó:
QTLĐG: Quỹ tiền lương theo đơn giá.
ĐG: Đơn giá, xác định theo quy định trên.
TCTĐGTH: Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp lựa chọn tính đơn giá của năm thực hiện.
Căn cứ quỹ tiền lương theo đơn giá tại công thức trên, doanh nghiệp xác định quỹ tiền lương thực hiện gắn với năng suất lao động và lợi nhuận như sau:
1- Doanh nghiệp có lợi nhuận năm thực hiện không thấp hơn lợi nhuận bình quân thì quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở quỹ tiền lương theo đơn giá và điều chỉnh theo năng suất lao động như sau:
Trường hợp mức tăng (theo tỷ lệ %) quỹ tiền lương theo đơn giá so với quỹ tiền lương bình quân bằng hoặc thấp hơn hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân thì quỹ tiền lương thực hiện được xác định bằng quỹ tiền lương theo đơn giá.
Trường hợp mức tăng (theo tỷ lệ %) quỹ tiền lương theo đơn giá so với quỹ tiền lương bình quân cao hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân thì phải giảm trừ quỹ tiền lương theo đơn giá, bảo đảm mức tăng (theo tỷ lệ %) quỹ tiền lương theo đơn giá so với quỹ tiền lương bình quân không vượt quá mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động thực hiện so với năng suất lao động bình quân.
Quỹ tiền lương bình quân được xác định bằng bình quân của các quỹ tiền lương thực tế thực hiện tại quy định (*) nêu trên.
2- Doanh nghiệp có lợi nhuận năm thực hiện vượt lợi nhuận bình quân thì được tính thêm tiền lương vào quỹ tiền lương thực hiện quy định tại khoản 1 nêu trên theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận thì được tăng thêm tối đa 2% quỹ tiền lương thực hiện, nhưng phần tiền lương tăng thêm không quá 20% phần lợi nhuận năm thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch và không quá 02 tháng tiền lương bình quân thực hiện xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện theo khoản 1 nêu trên chia cho số lao động bình quân thực tế sử dụng tính theo Phụ lục dự thảo.
3- Doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận bình quân thì phải giảm trừ quỹ tiền lương theo đơn giá tương ứng theo tỷ lệ (%) hoặc theo giá trị tuyệt đối của phần lợi nhuận năm thực hiện thấp hơn so với lợi nhuận bình quân, bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện sau khi giảm trừ không thấp hơn quỹ tiền lương tính trên cơ sở số lao động bình quân thực tế sử dụng và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 44/2025/NĐ-CP.
4- Doanh nghiệp năm thực hiện không có lợi nhuận hoặc lỗ thì quỹ tiền lương thực hiện được tính trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 44/2025/NĐ- CP. Trường hợp giảm lỗ (kể cả năm thực hiện không có lợi nhuận) so với lợi nhuận bình quân thì căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định quỹ tiền lương, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.
Dự thảo nêu rõ, lợi nhuận bình quân quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 nêu trên được xác định bằng bình quân của lợi nhuận thực hiện của các năm tương ứng với các năm doanh nghiệp tính quỹ tiền lương thực hiện theo quy định (*) nêu trên.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo TUỆ VĂN (Chính phủ)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: