Đến 2025, ít nhất 2 trường lọt vào 100 đại học tốt nhất châu Á

24/01/2019 - 09:40

Theo đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt, một trong những quan điểm chính của Chính phủ với phát triển giáo dục đại học là chủ động hội nhập quốc tế.

50% trường tổ chức ít nhất một hội thảo quốc tế mỗi năm

Mục tiêu chung của đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 

Hội nhập quốc tế là mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn tới NGỌC THẮNG

Trong đó, với mục tiêu hội nhập quốc tế, đề án đặt ra kỳ vọng đến năm 2025, nước ta có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất châu Á, 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất châu Á, 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín. Ngoài ra, trong các nội dung khác, nhiều mục tiêu cụ thể cũng hướng tới mong muốn “hội nhập”. Chẳng hạn, với nội dung nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, đề án đặt ra các mục tiêu phải có khoảng 1/3 trường đại học có ít nhất 3 đề tài/chương trình hoặc dự án hợp tác với nước ngoài trong nghiên cứu khoa học hằng năm; trên 50% cơ sở đại học thực hiện được ít nhất 2 đề tài nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ cho các tổ chức trong và ngoài nước; trên 50% cơ sở đại học tổ chức được ít nhất một hội thảo quốc tế hằng năm; có ít nhất 10 tạp chí khoa học của các cơ sở đại học trong nước được nâng cấp đạt chuẩn của các tạp chí quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới.

Cạnh tranh với trường đại học uy tín trong khu vực

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, đề án đưa ra một loạt giải pháp, trong đó nhiều giải pháp cũng đã hướng tới việc lấy cách thức phát triển, vận hành đại học của quốc tế làm chuẩn mực và quan tâm đặc biệt tới việc tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Chẳng hạn, quan tâm chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện trả lương theo hiệu quả công việc.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đề án đưa ra giải pháp hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn quốc tế, có nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đủ sức cạnh tranh với các trường đại học có uy tín trong khu vực; hình thành một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các đại học; thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế thu hút các cơ sở đại học có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế; khuyến khích cơ sở đại học chủ động xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên và hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo với các đại học khác. Bên cạnh đó là hình thành hệ thống xếp hạng đại học Việt Nam gắn kết với khu vực và thế giới bảo đảm được tính độc lập, minh bạch, nâng dần thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Để nhấn mạnh chủ trương “hội nhập”, đề án có riêng một nhóm giải pháp cho nhiệm vụ “đẩy mạnh quốc tế hóa”: chú trọng tăng cường năng lực tiếng Anh cho người học, tạo lập môi trường sử dụng tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học, thu hút sinh viên quốc tế và giảng viên quốc tế học tập, giảng dạy, tăng cường các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Anh… 

Mục tiêu cụ thể cho năm 2025

- 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

- Phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín. Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định.

- Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình. 100% cơ sở đại học khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở do các trường đại học có uy tín trên thế giới chia sẻ trực tuyến, trên 70% đại học có ngành đào tạo trong số 8 ngành đã được công nhận lẫn nhau trong khu vực ASEAN hoàn thành các thủ tục công nhận tương đương bằng cấp và chuyển đổi tín chỉ/học phần với các trường đại học trong khu vực.

- Trên 50% cơ sở giáo dục đại học sử dụng toàn bộ hoặc tích hợp một phần nội dung chương trình đào tạo và giáo trình của nước ngoài vào các chương trình đào tạo của nhà trường.

- Phấn đấu 100% chương trình đào tạo có mục tiêu, nội dung được thiết kế đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động.

Theo QUÝ HIÊN (Thanh Niên)