Đến 'Sa Pa ở đồng bằng' chơi lễ 2/9: Tắm thác, săn mây, ngắm mùa nước đổ

27/08/2023 - 18:36

Những tháng hè, với khí hậu mát mẻ, Pù Luông (Thanh Hóa) là địa điểm "trốn nóng" được ưa chuộng ở khu vực phía Bắc. Thời điểm này, du khách có thể ngắm mùa nước đổ, săn mây, trải nghiệm tắm suối, thác.

Khu bản tồn thiên nhiên Pù Luông cách Hà Nội khoảng 170 km, nằm trên địa bàn huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Được che chở sau những khu rừng nguyên sinh, bao bọc bởi những ngọn núi lớn, thung lũng Pù Luông có khí hậu mát mẻ quanh năm, khung cảnh bình yên, hoang sơ. Vài năm trở lại đây, Pù Luông được nhiều du khách ưa thích, ưu ái đặt tên la "Sa Pa thu nhỏ giữa xứ Thanh". 

Pù Luông là nơi sinh sống của cộng đồng người dân tộc Thái, Mường. Theo tiếng Thái, Pù Luông có nghĩa là đỉnh cao nhất của làng. Nơi đây có diện tích 17.662 ha, gồm rừng, núi, suối, thác, hang động, xen lẫn những bản làng yên bình, thửa ruộng bậc thang nối tiếp.

Pù Luông thu hút đông du khách nhất là vào mùa lúa chín: Cuối tháng 4 - 6 hoặc tháng 9 - 11 hàng năm. Mùa lúa ở đây thường đến muộn và kéo dài hơn so với các điểm đến khác ở miền núi phía Bắc. Những tháng hè (tháng 7,8), với khí hậu mát mẻ, đây cũng là địa điểm "trốn nóng" được ưa chuộng. Thời điểm này, du khách cũng có thể ngắm mùa nước đổ, săn mây.

Pù Luông cách Hà Nội khoảng 4,5 tiếng di chuyển đường bộ. Du khách có thể tới Pù Luông bằng xe máy, ôtô tự lái hoặc xe khách.

Nếu di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội, du khách có thể đón xe ở bến Giáp Bát, Nước Ngầm hoặc Mỹ Đình. Tuyến xe khách phổ biến để đi Pù Luông là Hà Nội – Bá Thước – Thanh Hóa sẽ về đến thị trấn Cành Nàng, giá 120.000 đồng/chiều. Từ đây, du khách có thể thuê xe ôm hoặc taxi để di chuyển đến Pù Luông, khoảng 20km. Du khách cũng có thể đi các tuyến xe Limousine Hà Nội - Pù Luông với giá từ 320.000 - 400.000 đồng/chiều.

Hiện nay, nhiều điểm lưu trú tại Pù Luông bán combo gồm xe di chuyển khứ hồi Hà Nội - Pù Luông và phòng nghỉ giá từ 800.000 đồng/người/đêm. Nếu di chuyển bằng xe máy, du khách sẽ mất khoảng 5 tiếng. 

Khi đến Pù Luông, du khách có thể thuê xe đạp hoặc xe máy tại nơi lưu trú để đến các điểm tham quan, các bản làng.

Nơi lưu trú tại Pù Luông rất đa dạng nên du khách có thể lựa chọn theo nhu cầu. Nếu yêu thiên nhiên và thích tìm hiểu văn hóa bản địa, du khách có thể chọn nghỉ tại nhà dân, homestay nhà sàn ở bản Kho Mường, Kịt, Hiêu... giá từ 100.000 đồng/người/đêm.

Pù Luông cũng có nhiều khu nghỉ dưỡng sang chảnh để du khách lựa chọn như Ebino Pù Luông Resort, Pù Luông Retreat, Pu Luong Eco Garden, Pù Luông Natura, Ciel del Puluong, Pu Luong Tree House, Pu Luong Hillside Lodge... giá từ 300.000 đến hơn 1.000.000 đồng/người/đêm. Những khu nghỉ này có phòng nghỉ rộng, thiết kế đẹp, thường có bể bơi vô cực, ban công ngắm ruộng bậc thang... Một số nơi thiết kế tiểu cảnh check-in ấn tượng, được ví như tiểu Bali của Việt Nam.

Pù Luông có nhiều khu nghỉ dưỡng sang chảnh để du khách lựa chọn (Ảnh: Ebino Pù Luông Resort)

Bản Kho Mường: Bản nằm sâu trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Pù Luông, cách biệt với các bản làng khác trong vùng nên vẫn giữ được nét đẹp thơ mộng vốn có. Đường vào Kho Mường tuy khó đi vì dốc ngoằn ngoèo, bên vách núi, bên vực sâu nhưng thành quả không khiến du khách thất vọng. Những mái nhà sàn, ruộng lúa, ruộng ngô trải rộng tít tắp, những dãy núi nhấp nhô bao lấy bản làng.

Đi bộ xuyên qua bản và những cánh đồng lúa, du khách sẽ tới hang Dơi hay còn gọi là hang Kho Mường. Những khối nhũ đá vôi ở đây được hình thành từ khoảng 250 triệu năm trước. Đây từng là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi. Càng đi sâu vào lòng hang, du khách sẽ thấy một khoảng không rộng lớn bao trùm bởi những khối nhũ đá hình thù kì lạ.

Điều đặc biệt bên trong hang là một bãi đất trống rộng như sân bóng tự nhiên. Đường từ đỉnh hang xuống đáy hang khá khó đi, nhiều thử thách cho những bạn trẻ muốn khám phá.

Thác Hiêu: Thác Hiêu được coi là một trong những dòng thác đẹp nhất Thanh Hóa, quanh năm trong vắt, dồi dào nước - nơi lý tưởng để vui chơi, trốn nóng ngày hè. 

Thác Hiêu Pù Luông có chiều dài khoảng 800m, từ trên núi đá, dòng nước chảy đến lưng chừng rồi tách ra thành 2 nhánh đổ về hai hướng, hợp lại ở cuối dòng. Dưới chân thác là những "bể tắm" tự nhiên, sâu hơn 1m, nước trong suốt, mát lạnh mùa hè và ấm mùa đông, bao quanh bởi rừng nguyên sinh xanh mướt.

Thác Hiêu tháng 7/2023 (Ảnh: Săn cảnh đẹp)

Bản Đôn: Đây là nơi quy tụ nhiều khu homestay và nghỉ dưỡng đẹp, được du khách ưa chuộng. Những khu nghỉ ở đây được xây dựng theo mô hình sinh thái nên thường không sử dụng các thiết bị tiêu tốn điện năng như tivi, tủ lạnh, điều hòa...

Hiện bản Đôn được quy hoạch phát triển thành bản du lịch cộng đồng, vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, với nhà sàn gỗ truyền thống xen kẽ giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại như những dải lụa xanh tươi ôm trọn lấy bản làng. Du khách đến với bản Đôn có thể tham gia đốt lửa trại, uống rượu cần, cùng giao lưu văn nghệ với điệu xòe Thái, khắp Thái, hát múa dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc dân tộc...

Suối Chàm: Con suối nằm cách bản Đôn  khoảng 7km, ngay cửa ngõ vào khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Suối Chàm gom nước của toàn bộ khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chảy ra sông Mã.

Ở đây có trải nghiệm đi bè tre khá độc đáo. Du khách sẽ xuôi theo dòng suối gần 1 km, lênh đênh giữa dòng nước trong vắt, ngắm đồng ruộng, bản làng, núi rừng, những cọn nước phục vụ bà con trồng trọt.

Thời gian tour chèo bè là 1 giờ, mỗi bè có thể chở 8 – 14 người, giá 50.000 đồng một người.

Đỉnh Pù Luông : Đỉnh núi này cao khoảng 1.700 m, là một trong những đỉnh núi dân trekking yêu thích. Địa hình nơi đây thay đổi rõ rệt khi đi từ chân núi lên đỉnh, phía dưới chủ yếu cây bụi, đồng cỏ, vách đá, lên cao hơn là rừng thảo quả xanh mướt, rừng nguyên sinh, thân gỗ lớn, tiếp nữa là các loại cây lá kim, rừng hỗn hợp. 

Tháng 11-12, du khách cso thể ngắm lá phong đổi màu vàng, đỏ. Tới tháng 1, đôi khi có xuất hiện băng giá trên đỉnh núi. Mùa xuân tới, Pù Luông lại đón du khách bằng sắc đỏ, tím, vàng của hoa đỗ quyên. 

Nếu thời tiết thuận lợi, du khách mất khoảng 6 -8 tiếng để chinh phục đỉnh núi. Đứng trên đỉnh Pù Luông, du khách có thể phóng tầm mắt ra những dãy núi cao trùng điệp, thả hồn ngắm nhìn bản làng e ấp trong sương sớm.

Du khách có thể dựng trại trên đỉnh để ăn uống nghỉ ngơi qua đêm hoặc mang theo đồ ăn trưa, giữa chiều trở về nghỉ tối ở bản Đôn. Bạn nên cân nhắc về sức khỏe, thể lực trước chuyến đi. Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm leo núi, nên đăng kí tour riêng tại các khu nghỉ để có hướng dẫn viên hỗ trợ.

Khi leo núi nên mặc quần áo dài, mũ, giày leo núi, thuốc chống muỗi, vắt, nước uống, đồ ăn chống đói... 

Chợ phiên Phố Đoàn hay còn gọi là chợ Phố Đòn là phiên chợ vùng cao họp từ thời Pháp thuộc. Hiện nay, phiên chợ diễn ra vào thứ 3, thứ 5, chủ Nhật hàng tuần. Bà con các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, Thành Sơn thuộc huyện Bá Thước thường đem hàng hóa ra chợ bán, từ mớ rau rừng, trái chín cây trong vườn... đến vải thổ cẩm, rượu cần. Du khách cũng có thể tìm thấy những đặc sản như vịt Cổ Lũng, gà thả đồi, bánh cuốn, bánh nếp, bánh rán.

Điểm đặc biệt là chợ vẫn còn hoạt động theo cách trao đổi hàng hóa ngang giá trị, ít khi thấy đòi thách, trả giá.

Vịt Cổ lũng là giống vịt đặc sản ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Vịt Cổ Lũng có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ rụt và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng. 

Thịt vịt Cổ Lũng thường được chế biến thành các món như luộc, nướng, quay. Với món vịt nướng, các đầu bếp thường tẩm ướp gừng, xả, gia vị cơ bản như mắm, mì chính, bột nêm và đặc biệt không thể bỏ qua hạt mắc khén và mật ong. Vịt được ướp đều, massage trong 30 phút rồi mang đi nướng. 

Tại các khu nghỉ, nhà hàng, vịt thường được nướng bằng lò hoặc than hoa. Nếu du khách ở tại homestay, có thể cùng người dân trải nghiệm nướng vịt trên bếp củi. Khi nướng, lớp mỡ vịt bắt đầu chảy xuống làm than củi thêm đỏ rực, mùi hương tỏa ra thơm phức. Khi chín, thịt vịt chuyển sang màu nâu đỏ cực bắt mắt.

Thịt vịt nạc, chắc và thơm, được nướng bằng than, giá 500.000 đồng/con đủ cho 3 - 4 người ăn

Ngoài ra, du khách nên thử ốc núi - loại ốc sống trong tự nhiên chắc, thơm, bổ dưỡng; thịt gác bếp - đặc sản bà con dân tộc Thái ở các huyện Quan Hóa, Bá Thước; măng rừng luộc hay măng chua nấu canh cá; cá suối nướng; rau rừng...

Theo Vietnamnet