Đi chợ… mùa dịch bệnh

27/03/2020 - 04:56

 - Trước những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì việc “hôm nay ăn gì” với các bà nội trợ trở nên “khá căng thẳng”. Bởi tâm lý ngại hay việc hạn chế đến nơi đông người dần thay đổi thói quen đi chợ của mọi người. Và câu hỏi đặt ra ở đây là, đi chợ… mùa dịch bệnh như thế nào? Làm sao để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình khi đến nơi đông người?

Rất dễ thấy rằng, thời điểm này, các chợ truyền thống hay cửa hàng tiện dụng, siêu thị đều giảm lượng khách hàng rõ rệt so với những ngày bình thường. Những con đường dẫn vào chợ vốn tấp nập từ tinh mơ nay thưa thớt dần. Hàng hóa ở các siêu thị không thiếu nhưng vắng người đến mua. Còn những tiểu thương buôn bán ở chợ thì… dù khách đông hay thưa, gia đình vẫn cần cái ăn hàng ngày nên việc “bám” chợ, giữ nghề là chuyện tất nhiên, không phải bàn cãi.

Nhưng chợ lại là một trong những điểm có lượng người tập trung rất nhiều, mà đây là điều tối kỵ với dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, việc nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Thật ấm áp khi nhìn thấy hình ảnh những thanh niên tình nguyện phát từng chiếc khẩu trang, dung dịch rửa tay hay tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh theo các khuyến cáo của Bộ Y tế với các tiểu thương ở chợ.

Điển hình như Chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn đã phát 100 khẩu trang y tế, 50 lít dung dịch rửa tay cho các tiểu thương đang buôn bán tại chợ Mỹ Bình (TP. Long Xuyên). Việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp về ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng trong mùa dịch bệnh.

Đi chợ truyền thống hay “chợ hiện đại”, người dân đều ý thức việc đeo khẩu trang nơi đông người

Trở lại chuyện đi chợ mùa dịch bệnh, thay vì đi chợ thường nhật, có người chọn giải pháp đi chợ 1 lần cho khoảng 2-3 ngày ăn. Không phải là dự trữ thức ăn nhưng để tiết kiệm thời gian và hạn chế đi đến nơi đông người.

“Nhà có 5 người, nếu như thường lệ, tôi sẽ mua thịt hoặc cá ăn sử dụng hết trong ngày. Nhưng bây giờ, để hạn chế tối đa việc phải đến nơi đông người, tôi nghĩ rằng có thể mua thêm một ít thức ăn so với ngày bình thường. Thay vì kho nồi thịt ăn hết trong ngày thì tôi kho ăn đến 2 ngày, vẫn ngon và bổ dưỡng” - chị Quế Quyên (ngụ thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) cho hay.

Còn với cô Mã Thị Oanh (ngụ xã Vọng Đông, Thoại Sơn, An Giang), việc đến chợ sẽ được thay thế bằng cách mua của các “chợ quê di động”. “Đợi xế xế một chút, sẽ có các xe bán thịt cá, rau củ… đẩy ngang qua xóm. Tuy không phong phú như ở chợ nhưng có thể giúp tôi chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho gia đình, không cần đến chợ trong lúc này!” - cô Oanh bộc bạch.

Tiểu thương ở chợ Mỹ Bình được tặng khẩu trang và nước rửa tay

Song, đi chợ thế nào cho tiện lợi và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh là sự tính toán rất cặn kẽ của các bà nội trợ. Chị Ngọc Lài (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ từ nhà đến chợ chưa đến 5 phút. Vì thế, hàng ngày chị vẫn đi chợ truyền thống nhưng mua gì, ăn gì đều được chị tính toán từ trước. Ra đến chợ, chị đến ngay “mối” quen để mua thực phẩm, xong là về ngay. “Tôi luôn đeo khẩu trang và mang bao tay kỹ lưỡng mỗi lần ra chợ. Gần 1 tuần nay, tôi thấy người đi chợ ý thức đeo khẩu trang rất nhiều. Về đến nhà, tôi rửa tay với xà bông ngay” - chị Lài chia sẻ.

Thời gian gần đây “rộ” lên việc mua hàng trực tuyến (online) hay “đi chợ hộ”. Theo đó, các kênh bán hàng online trước đây vốn đã nhộn nhịp với các mặt hàng tiêu dùng, như: quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, đồ gia dụng… nay trở nên phong phú, đa dạng hơn trong mùa dịch bệnh. Các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, hàng khô đến các loại thức ăn chế biến sẵn, nước uống được mua sắm nhiều hơn trước.

Điều đó cho thấy, đông đảo người dân đã thay đổi thói quen mua sắm, hạn chế tối đa ra ngoài trong thời điểm này. Vốn chuyên bán các loại đồ ăn vặt trên mạng xã hội facebook từ nhiều năm nay, chị Ngô Ngọc Yến (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết: “Đồ ăn vặt được nhiều người yêu thích cũng là mặt hàng được tôi bày bán từ lâu. Song thời gian gần đây, việc nhiều người ngại ra chợ mua đồ về nhà trong mùa dịch bệnh nên lượng khách đặt hàng nhiều hơn ngày bình thường. Việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm rồi giao hàng (ship) đến tận tay người tiêu dùng là việc tôi duy trì cho đến nay”.

“Đi chợ hộ” - cái tên nghe có vẻ lạ nhưng thật khá quen thuộc với nhiều người đã từng mua hàng ở các siêu thị. Chỉ cần có điện thoại trong tay, hôm nay muốn mua gì hay ăn gì, chị em chỉ cần nhấc máy và gọi đến số điện thoại “nóng” của siêu thị sẽ được “đi chợ hộ”. Như siêu thị Co.opmart, khi mua hàng với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, nhân viên của siêu thị Co.opmart sẽ giao hàng tận nhà miễn phí trong vòng bán kính 5km. Hàng hóa sẽ được sắp xếp giao trong vòng 24 giờ.

“Thay vì đến tận nơi để mua hàng như trước đây, tôi đã gọi điện cho siêu thị gần nhất và đưa danh mục các mặt hàng cần mua. Nhân viên thân thiện, nhiệt tình, còn tư vấn kỹ giúp tôi chọn mua sản phẩm vừa ý. Sau lần đầu thử nghiệm, tôi khá hài lòng, chắc chắn sẽ duy trì để đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh” - chị Bạch Mai (ngụ phường Bình Khánh) bày tỏ. Nắm bắt xu thế đó, các siêu thị đã tích cực triển khai các dịch vụ gọi điện đặt hàng hay tăng cường các dịch vụ bán hàng trực tuyến.

Dẫu đi chợ online đang “hot” lên một cách bất đắc dĩ trong mùa dịch bệnh nhưng mọi người cần chọn những địa điểm, trang mua sắm tin cậy, uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.  

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích