Đi chợ những ngày giãn cách xã hội

10/08/2021 - 06:58

 - An Giang đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hơn 20 ngày. Người dân ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, kinh doanh, mua bán… phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Các chốt kiểm soát thu phiếu người vào chợ và thực hiện khai báo y tế

Những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg, hầu hết tiểu thương và người đi chợ thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, có phân luồng ngõ ra vào các chợ để kiểm soát, phòng, chống dịch. Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm… nhưng còn có thể tự do đi chợ khi có nhu cầu. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, tỉnh đã quyết định siết chặt hoạt động tại chợ để kiểm soát hiệu quả sự lây nhiễm, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Từ đi chợ 3 lần/tuần còn 2 lần/tuần để chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không tập trung đông người.

Các chợ truyền thống bố trí các chốt kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại các ngõ ra vào ở các chợ, thực hiện nghiêm thông điệp “5K”. Cùng với đó, các địa phương thực hiện cấp phát phiếu đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích... đến từng hộ dân; mỗi hộ chỉ được đi chợ 2 lần/tuần và cử đại diện mỗi hộ 1 người đi chợ; trên phiếu có họ tên, địa chỉ, ngày giờ vào chợ cụ thể... Tại các địa phương, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích... kiểm tra việc sử dụng phiếu đi chợ đảm bảo đúng quy định.

Chúng tôi thử ghé vào một cửa hàng tiện ích Vinmart+ (phường Bình Khánh) và bị chặn ngay từ cửa để kiểm soát phiếu, được nhân viên yêu cầu phải có phiếu màu vàng của UBND phường mới được vào. Lần khác, tôi ghé siêu thị MM Mega Market (phường Mỹ Phước) được nhân viên giải thích: “Chị ở phường nào đi chợ phường đó”. Cùng lúc đó, nhiều khách hàng đến không có phiếu, không được vào mua hàng và được nhân viên nhiệt tình giải thích: “Mấy anh chị thông cảm, chúng tôi làm đúng quy định. Anh chị vui lòng gọi số điện thoại cửa hàng mua hàng online sẽ được giao tận nhà”.

Rời siêu thị, tôi ghé vào chợ Bình Khánh. 3 chốt ở 3 cửa vào chợ được kiểm soát nghiêm ngặt để thu phiếu người vào chợ. Tại chợ Mỹ Bình, Mỹ Xuyên, Trà Ôn, Mỹ Phước... người vào chợ đều được đo thân nhiệt, khai báo y tế tại các chốt vào. Nhiều trường hợp người dân chưa đến ngày đi chợ hoặc không có phiếu không được vào chợ, để đảm bảo giãn cách xã hội và phòng, chống dịch.

Quan sát cho thấy, hầu hết người đi chợ đều mua khá nhiều rau, củ, quả, thịt, cá... để dành cho cả nhà ăn trong 2-3 ngày, nên dù lượng khách tại các điểm bán giảm, nhưng lượng hàng hóa bán ra không giảm và có nơi còn tăng cao so trước đây. Ông Nguyễn Văn Thuận (cửa hàng thịt heo an toàn chợ Bình Khánh) chia sẻ: “Từ lúc thực hiện giãn cách xã hội, người đi chợ giảm nhưng lượng thịt heo bán gia tăng. Trước đây bán 2 con heo/ngày, nay tăng lên 3 con, do người mua nhiều để dành những ngày không đi chợ. Giá thịt heo giảm: ba rọi 140.000 đồng/kg, nạc 120.000 đồng/kg...

Ông Võ Văn Trừ (Ban quản lý chợ Mỹ Bình) cho biết: “Chợ Mỹ Bình thực hiện tốt Chỉ thị 16/CT-TTg, đảm bảo giãn cách, không tập trung. Ban quản lý chợ sắp xếp tiểu thương mua bán hàng thiết yếu, ngày bán, ngày nghỉ để đảm bảo giãn cách; tăng cường tuyên truyền đến tiểu thương các biện pháp phòng, chống dịch, thông điệp “5K”, nâng cao ý thức phòng, chống dịch...”.

Từ khi có quy định tất cả người dân trên địa bàn tỉnh không được phép ra đường (lưu thông trên bộ và trên sông) từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, người dân và tiểu thương các chợ thực hiện nghiêm túc. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã điều chỉnh giờ mở cửa lúc 6-7 giờ sáng, đóng cửa 17 giờ 30 phút. Các chợ truyền thống từ 17 giờ 30 phút, tiểu thương đóng lô sạp, tranh thủ về nhà trước giờ quy định. Anh Nhân (phường Bình Khánh) chia sẻ: “Tôi rất đồng tình với chủ trương của tỉnh khuyến khích thực hiện đa dạng hình thức trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người mua và người bán, đó là bán hàng qua điện thoại, giao hàng tại nhà... Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, tôi rất ít đi chợ, chủ yếu đặt hàng giao tận nhà, an toàn và yên tâm về chất lượng”.

Tỉnh đã áp dụng nhiều mô hình hỗ trợ người dân đi chợ trong thời gian giãn cách xã hội, như: đi chợ hộ, đi chợ thuê, xe lưu động bán hàng thiết yếu tận nhà... Người dân không phải đi ra ngoài khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, vì đã có người đi chợ hộ để mua và giao hàng tận nhà. Thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội, nhiều gia đình chọn cách mua sắm theo các dịch vụ an toàn tiện lợi. Bởi, chỉ cần một cuộc gọi điện thoại hay một thao tác đơn giản trên máy tính, người tiêu dùng có thể “đi chợ” online, vừa không mất thời gian lại đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình...

HẠNH CHÂU

Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu duy trì hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; chuỗi cung ứng hàng hóa vẫn được thực hiện thông suốt. Các đơn vị kinh doanh, hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.