Đi chợ, siêu thị những ngày cách ly xã hội

08/04/2020 - 16:01

 - Cùng với các địa phương trong cả nước, hơn 1 tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, đường sá khá vắng vẻ, người dân rất ít ra đường, phương tiện tham gia giao thông thưa thớt, nhiều hàng quán đóng cửa… chống dịch. Những ngày này, dạo quanh các chợ truyền thống, siêu thị, lượng người mua sắm giảm hẳn so trước đó.

Đi chợ, siêu thị những ngày cách ly xã hội

Siêu thị đánh dấu dưới sàn nhà, đảm bảo khách hàng đứng mua hàng, tính tiền cách nhau 2m để phòng tránh dịch bệnh Covid-19

Đi chợ, siêu thị những ngày cách ly xã hội

Đa số tiểu thương, người đi chợ đều đeo khẩu trang

Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ truyền thống trên địa bàn TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc, lượng người đi chợ giảm hẳn so với ngày bình thường. Vào 2 ngày cuối tuần vừa qua (ngày 4 và 5-4-2020), ở các gian hàng bán hoa, trái cây, thịt heo quay có khá nhiều người mua hàng đi cúng thanh minh. Còn lại những gian hàng, điểm bán rau cải, cá thịt tươi sống không còn cảnh các bà nội trợ tấp nập, chen nhau lựa chọn thức ăn như những ngày trước. Tại chợ Châu Đốc, các kios bày bán các mặt hàng khô, mắm, cả những gian hàng bán giày dép, quần áo… đều đã đóng cửa theo yêu cầu của ngành chức năng. Bên trong chợ, có những quầy hàng treo bảng thông báo nghỉ bán đến hết ngày 15-4, có gian hàng thông báo tạm nghỉ đến cuối tháng.

Chị Thúy (tiểu thương bán hàng tại chợ Châu Đốc) cho biết: “Từ khi các khu, điểm du lịch trên địa bàn TP. Châu Đốc, nhất là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam dừng đón khách du lịch thì chợ vắng vẻ hẳn, chỉ còn người dân địa phương đi chợ, mỗi ngày chẳng bán được bao nhiêu. Cách đây mấy ngày, thực hiện việc hạn chế ra đường nên người đi chợ càng ít. Vì vậy, nhiều sạp bán khô, mắm phải đóng cửa. Mấy chục năm bán hàng tại chợ này, chưa năm nào tôi chứng kiến cảnh chợ ế ẩm như bây giờ. Trước đây, có ngày tôi bán cả chục ký mắm, khô. Nhưng hơn nửa tháng nay, có hôm bán được vài ký, có ngày không bán được đồng nào. Tình hình chung nên mình phải cố gắng để vượt qua, phòng bệnh cho mình, tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”.

Chị Mây (buôn bán tại chợ Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) ngao ngán lắc đầu chia sẻ: “Từ ngày 1-4, khi có “lệnh” không cho bán tại chỗ… mà chỉ cho bán mang về, thu nhập mỗi ngày giảm hơn 50%. Lượng khách đến chợ mua nước uống, đồ ăn sáng vắng hẳn”. Gần đó, một quán bán thức ăn, chỉ để vài cái ghế cho khách ngồi chờ để lấy thức ăn, cà phê mang về được lực lượng công an phường, ban bảo vệ dân phố đến nhắc nhở chung: “Bà con không được tụ tập đông người. Mấy chị, mấy cô chỉ bán mang về thôi nhé. Ai chưa mang khẩu trang hoặc khẩu trang chưa che kín mũi, miệng chú ý mang đúng theo hướng dẫn, nếu để nhắc nhở nhiều lần sẽ bị phạt nha bà con!”.

 Dạo một vòng chợ Mỹ Long, Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), đa số người bán hàng đều mang khẩu trang. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều người không đeo, hoặc kéo khẩu trang để dưới miệng. Anh Bảy Em (tiểu thương bán cá tại chợ Mỹ Long) cho biết: “Mấy ngày nay, người dân đi chợ ít hơn hẳn. Họ đi chợ ít nhưng mua nhiều. Đa phần khách yêu cầu làm cá sạch, khi về họ chỉ cần rửa sạch, ướp để tủ lạnh sử dụng dần, vài ngày mới đi chợ 1 lần. Nhưng tính kỹ thì thu nhập so với trước giảm khá nhiều. Tôi chỉ mong mau hết dịch bệnh “Cô Vy” (Covid-19) để trở lại cuộc sống bình thường, kiểu này hoài thì khổ những người mua bán, người lao động như tôi lắm”.

Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong “15 ngày vàng” thực hiện cách ly xã hội, các siêu thị hoạt động bình thường. Tại các siêu thị tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp an toàn để phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 cho khách đến mua hàng, như: đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn ở cửa ra vào và bố trí vị trí khách hàng đứng xa nhau.

Chị Hồng Cẩm (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết: “Trước ngày cách ly xã hội (ngày 31-3), cũng như mọi ngày, cuối giờ chiều, khi đi làm về, tôi ghé siêu thị mua thức ăn, trưa hôm sau nấu cơm. Bước vào siêu thị, tôi thật sự choáng, vì mọi người đến mua sắm rất đông, xe đẩy nào cũng đầy ắp mì gói, thực phẩm đóng hộp, rau cải, bánh kẹo… các loại. Riêng tại quầy bán thịt heo, thịt bò thì không còn hàng. mọi người sợ thiếu thức ăn vì họ nghĩ rằng, cách ly xã hội là kiểu “ngăn sông, cấm chợ” nên mua thực phẩm về dự trữ. Chỉ có tôi là mua ít nhất, mua đủ 3 ngày ăn. Khác với hôm trước, bữa nay, lựa rau cải, cá thịt thoải mái, không còn cảnh đứng chờ cả buổi để tính tiền. Có thể mọi người còn trữ thức ăn vài ngày, hoặc họ mua hàng trực tuyến (online)”.

Nhằm đảm bảo cách nhau 2m, ở các quầy thực phẩm hay quầy tính tiền, người dân sẽ đứng theo vị trí đánh dấu dưới sàn nhà. Trong quá trình mua sắm, bên cạnh nghe thông tin các mặt hàng được giảm giá, khuyến mại trong ngày, hệ thống loa của siêu thị thường xuyên nhắc nhở khách hàng chú ý giữ khoảng cách với người kế bên 2m, mang khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên hoặc sát khuẩn tay bằng nước sát khuẩn được bố trí tại quầy tính tiền để góp phần phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dù đã có bố trí vị trí đứng, nhưng nhiều người vẫn chưa thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người dân cần tuân thủ các biện pháp an toàn tối thiểu nhằm bảo vệ bản thân khi mua sắm trong mùa dịch. Song, người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến thay vì trực tiếp đến các chợ, cửa hàng, siêu thị, qua đó nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Đây được xem là giải pháp an toàn, tiện lợi để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích