Bác Hồ đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, trọn đời lo cho dân cho nước, sống vô cùng giản dị, khiêm nhường: “Như đỉnh non cao tự giấu mình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh” (Tố Hữu). Trước lúc đi xa, Bác truyền lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ý chí quyết tâm sắt đá vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đến nay, tư tưởng và Di chúc của Bác vẫn đang đồng hành cùng dân tộc, tiếp tục dẫn dắt đất nước ta đi lên, vượt qua khó khăn, thử thách.
Toàn bản Di chúc được cân nhắc từng câu, từng chữ. Nhưng chỉ trong hơn 3 dòng ngắn gọn, cô đọng nói về Đảng cầm quyền, Bác dùng tới 4 chữ “thật, thật sự”, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác nói về Đảng tập trung vào 3 vấn đề lớn, quan trọng bậc nhất quyết định sự tồn vong của Đảng, gồm: Đoàn kết; tự phê bình và phê bình; sự thấm nhuần đạo đức cách mạng.
Đối với vấn đề đoàn kết trong Đảng, Bác Hồ căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Theo đó, đoàn kết trong Đảng phải thể hiện bằng tư tưởng và hành động; trong Đảng không thể có tình trạng “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh. Đối với nhân dân, suốt đời Bác phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lo cái lo của dân, đau nỗi đau của dân: “Lời Di chúc gửi, êm bên gối/ Quên nỗi mình đau, để nhớ chung”.
Quan điểm của Bác về vấn đề nhân dân rất rõ ràng: Đảng muốn mạnh, muốn vững phải dựa vào nhân dân. Sau này, những nguyên tắc, quan điểm của Đảng đã cụ thể hóa quan điểm của Bác: Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Vừa qua, một số quy định của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân với Đảng; xác định Đảng phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Kỷ niệm 53 năm thực hiện Di chúc của Bác (1969-2022) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc hơn giá trị Di chúc, tiếp tục cùng nhau đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công ước nguyện của Bác, để làm cho Đảng ta thật sự vững mạnh; Tổ quốc độc lập, tự do; dân ta ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là mục tiêu bất di bất dịch mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện từ nhiều thập kỷ qua, đã gặt hái nhiều trái ngọt.
Lễ truy điệu Bác Hồ được tổ chức ngày 9/9/1969 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác/ Lên những tầng cao, thẳng cánh bay”, “Bác đi... Di chúc giục lòng ta/ Cho cả muôn đời một khúc ca”. Nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tự hào với tất cả những gì làm được, song Đảng ta, mỗi đảng viên chúng ta không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn như ý nguyện của Người. Không ít khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước. Nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, ra sức phấn đấu, phát huy ưu điểm, sửa chữa khắc phục khuyết điểm, yếu kém; tuyệt đối không chủ quan tự mãn, không say sưa với thắng lợi hay bi quan, dao động trước những khó khăn, thử thách.
Đến nay, Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị, đó là một áng văn tuyệt bút minh chứng cho lòng yêu nước, thương dân thiết tha, vô bờ bến, một trí tuệ mẫn tiệp, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, một tấm gương đạo đức ngời sáng và tình đoàn kết quốc tế nồng nhiệt, chân thành. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi rọi con đường chân lý, chẳng những cho nhân dân ta, mà còn cho tất cả những dân tộc trên thế giới đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc của loài người.
N.R