Một sớm nhẹ tênh bé con mở cửa ra và mùa thu ùa vào khắp căn nhà. Thu về khẽ khàng và lặng lẽ. Không có dàn nghệ sĩ ve xướng ca rộn rã đón chào. Không có trăm ngàn lá hoa màu mè trải thảm. Có chăng cũng chỉ là những cái cúi đầu dịu dàng từ bạt ngàn nương lúa, là thơm ngát quẩn quanh hương thị rơi trong “bị bà”, là lúc lỉu tròn đầy những trái bưởi đánh đu trong gió, là âm vang tiếng trống ngày tựu trường, là “cắc tùng” đêm hội trung thu...
Ảnh minh họa.
Thu áp bàn tay mát lạnh vào da bé, khiến bé giật mình nổi da gà. Thu cũng nghịch ngợm “sờ mó” ông, làm ông phải khoác thêm manh áo. Ông bùi ngùi nhớ những ngày xưa. Bé véo von đón chào ngày mới. Ông nhìn theo cái bóng nhỏ xíu khuất dần sau tường rào cao vút, nhủ lòng, để ông dắt con đi qua những ngày thu.
Từ khi sinh ra đến giờ bé mới chỉ đón thu ở phố thị tấp nập, chắc bé lạ lắm cái thu quê. Thu phố và thu quê, mỗi nàng một vẻ. Thu phố nồng nàn mùi hoa sữa, thơm thảo hạt cốm xanh, sặc sỡ với đèn hoa nhấp nha nhấp nháy. Thu phố còn đông nghịt những biển người và tắc nghẹn đường đi khi các đoàn rước đèn bằng xe giao nhau tại một khúc. Thu phố vui theo cái kiểu phố thị. Dẫu vậy thu năm nay ông muốn dắt bé về quê, về với sương mai và hương đồng cỏ nội. Về với triền đê thăm thẳm những cánh diều…
Cuối tuần hai ông cháu về thật. Sớm tinh mơ, trên chiếc xe phượng hoàng đã được liệt vào hàng đồ cổ, ông chở bé đi dọc con đường làng. Bé nhịp nhịp bàn chân, dang rộng cánh tay mà không sao ôm hết được màn sương chùng chình giăng mắc. Bé liếc đông liếc tây, huyên thuyên mãi về những nhành hoa, ngọn cỏ. Bé nghển cổ, so vai, cố hít chật căng lồng ngực cái bầu không khí lành lạnh sảng khoái này. Đến trưa bé theo ông ra vườn hái những trái hồng xanh, đem về rửa sạch ngâm với nước ấm. Ông bảo chỉ năm ngày nữa là ăn được thôi, hồng ngâm cũng là một đặc sản của thu con nhé.
Buổi tối trời thu se lạnh, bé ôm cổ đòi ông kể chuyện xửa chuyện xưa. Chuyện từ quả thị cây đa, chuyện ra Hằng Nga, chú Cuội. Trăng trên cao mỉm cười nhìn xuống, bé tủm tỉm tò mò ngó lên. Thật nhiều câu muốn hỏi “vị” ở trên. Như là phép tiên ngàn năm có còn tồn tại?
Hết chuyện cổ tích bé đòi nghe chuyện đời. Ánh mắt ông hiền. Ông chậm rãi kể lại những ngày tóc còn xanh. Đó là những ngày còn chiến tranh. Hạt thóc củ khoai là thứ ngon bậc nhất trên đời. Hồi ấy mỗi độ thu về vàng tán lá là ông lại chực hái trái thị sau vườn. Bánh và đèn trung thu là những thứ đồ xa xỉ với đám trẻ quê thời đó. Hơn chục năm sau ông có bố. Khi bố bằng tuổi bé bây giờ, một mùa trăng về ông học người ta bán bánh trung thu. Nhà vẫn còn khó khăn nên bố nào đâu được ăn cho thỏa thích. Để phòng bố lấy trộm bánh, ăn hết cả lãi lẫn vốn, ông treo bánh cao tít nóc nhà. Bố lấy sào trọc mãi không được đành tiu nghỉu ngồi co một xó. Chẳng may năm đó trời buồn nên rủ những cơn mưa dai dẳng gieo ẩm mốc vào trong chiếc bánh. Mớ bánh hỏng sạch sành sanh. Bố khóc một trận to còn ông thì ngẩn người tiếc mãi. Bé đắm chìm vào câu chuyện, thấy thương ông, thương bố biết bao nhiêu.
Bỗng một đốm sáng nhỏ lượn qua, rồi hai, rồi ba, và nhiều nhiều đốm sáng khác nữa. Bé nhận ra chúng chính là lũ đom đóm ông kể hôm nào. Bé kéo tay ông, theo chúng ra đến tận đường làng. Đóm dập dờn, điểm tô cho màn đêm vẻ lung linh tuyệt diệu.
Sáng tiếp theo ông đưa bé ra cánh đồng. Bé thấy bạt ngàn những cây lúa vàng ươm trĩu hạt. Bé thấy các cô các bác nông dân và thấy cả chúng bạn - đầu đội nón, tay cầm liềm, trông lùn như cây nấm. Chúng bạn hớn hở giúp ba mẹ gặt lúa. Đứa nào cũng tỏ ra mình là thợ gặt chính hiệu. Từng nắm lúa nhỏ xíu góp lại thành một bó to lù. Chúng vẫy bé và khoe về đám lúa nhà mình. Cánh đồng như một dải lụa vàng cứ sóng sánh theo gió và biến đổi như một nhà ảo thuật. Chẳng mấy chốc đã biến thành một khoảng trống hay ho. Bé cũng thử gặt lúa. Tuy dặm nhưng rất vui. Khi lũ trẻ mệt nhoài, mồ hôi rơi lã chã, chúng tụ lại dưới bóng mát bụi tre, nghe ông kể về con muồm muỗm. “Muồm muỗm ở xứ ta tuyệt chủng mất rồi. Muỗm giống con châu chấu, cào cào ấy nhưng nướng ăn ngon tuyệt cú mèo”. Những đứa nhìn thấy con châu chấu, cào cào rồi thì lắc đầu, le lưỡi, nói, trông gớm chết đi được.
Chớp mắt một cái trăng đã tròn vành vạnh. Đêm nay đã là hội trăng rằm. Hai ông cháu lại rồng rắn về quê. Bé còn xách theo chiếc đèn Na Tra phát nhạc í ò í o mà bố mua cho nữa. Hôm nay trời quang mây tạnh, trên trời cao trăng sao cũng mở tiệc linh đình. Dưới hạ giới xập xình tùng dinh. Từ chập tối nhà văn hóa xóm đã sáng đèn. Bàn ghế kê từng hàng ngay ngắn. Bác trưởng xóm loa loa lần cuối, mời gọi các cháu thiếu nhi đi dự hội phá cỗ. Đến giờ, mọi người ầm ầm kéo nhau đến. Lũ trẻ ẩn mình trong chiếc mặt nạ đủ hình thù, đi hù người nọ người kia. Người lớn đứng trạt xung quanh. Có chị dắt tay em nhỏ mới lững chững biết đi, có cô ẵm bồng những bé con còn chưa biết lẫy. Đèn cá chép, đèn ông sao, đèn siêu nhân, gậy phát sáng... lắc lư dập dìu. Bé thấy trung thu đã căng tràn lồng ngực. Chị thanh niên hóa thân thành Hằng Nga điệu đà duyên dáng. Dẫn các bạn nhỏ vào yến tiệc cung trăng.
Bố lai cả nhà về. Dọc đường gặp biết bao khu phố vẫn còn đang phá cỗ. Bé nhìn giỏ quà lủng liểng trong tay. Những trái hồng ngâm, những quả bòng, quả bưởi, những chiếc bánh nướng bánh dẻo, những phần quà trông trăng khi nãy. Rồi bé lại nhìn ông, nhìn bố mẹ. Tim đập hân hoan.
Ông ôm bé vào lòng thủ thỉ: “Thu phố hay thu quê đều tuyệt phải không con? Bởi vì con còn là trẻ con đấy. Chỉ có trẻ con mới cảm nhận được niềm vui trọn vẹn nhất của những đêm trăng rằm”.
Theo HỒ ĐIỆP (Báo Bắc Ninh)