Đi tìm “linh vật” sông Lô

26/09/2023 - 16:07

Sông Lô- con sông lịch sử mang trên mình nhiều huyền tích. Ngoài giá trị văn hoá, sông Lô còn có nhiều sản vật quý như cá Chiên, Quất, Lăng, Ngạnh, trong đó đặc biệt là cá Anh Vũ- giống cá quý, được coi như “linh vật” của dòng sông. Tương truyền cá Anh Vũ xuất hiện ở nước ta từ 2000 năm TCN. Đến khoảng thế kỷ XIV, tức đời Hùng Vương thứ 3, một ngư dân bắt được cá Anh Vũ tại khu vực sông Lô, liền mang tiến vua. Trông lạ mà ăn ngon, vua cho đây là loài cá quý hiếm. Và từ ấy, người dân bắt được cá Anh Vũ đều phải mang dâng lên vua. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí cũng có ghi: “Cá Anh Vũ còn có tên Giả Ngư, sinh sống ở ngã ba sông Bạch Hạc. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà bổ. Từ sông Bạch Hạc trở xuôi thì không có nữa”. Đặc biệt hơn, trong Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi còn viết: “Cá Anh Vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh…”.

Ông Lập chuẩn bị ngư cụ cho buổi đánh lưới đêm, tuy nhiên, theo ông từ năm 1990 đến nay đã không còn đánh được con cá anh vũ nào ở ngã ba sông và trên sông Lô (khu vực Bạch Hạc).

Gặp dân chài có “duyên” với cá Anh Vũ

Sau nhiều lần kỳ công hỏi thăm, chúng tôi cũng có được số điện thoại của ông Phan Tiến Lập, năm nay đã gần 70 tuổi, người gốc phường Bạch Hạc - nơi có ngã ba sông huyền thoại, là một ngư phủ đã có nhiều đời làm nghề chài lưới trên sông Lô.

Một buổi chiều mưa, trong căn nhà nhỏ ở phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì bên ấm trà mạn và cái se lạnh của gió sông, chúng tôi ngồi nghe ông ôn lại những “dọc ngang sông nước” thời trẻ, nghe những câu chuyện về nghề đánh bắt cá, về loài cá quý có tên Anh Vũ mà chỉ vùng ngã ba Hạc mới có này.

Ông Lập bồi hồi nhớ lại: Dân Bạch Hạc chúng tôi trước đây có rất nhiều người làm nghề chài lưới kiếm sống vì gần sông Lô. Nhà tôi cũng như nhiều cư dân ven sông này đã nhiều đời theo nghề. Hàng trăm năm trước, bố, ông, cụ và nhiều chú bác của tôi vẫn lấy nghề đánh cá làm chỗ mưu sinh. Nên từng con nước, ghềnh thác, từng doi cát, hang hốc ở ngã ba sông tôi đều nhập tâm và thuộc như lòng bàn tay. Biết bơi từ nhỏ, được “truyền nghề” chài lưới, tôi dù khi thanh niên có thời gian đi làm công nhân Nhà máy đường Việt Trì vẫn tranh thủ bám nghề, sớm hôm đánh bắt cá trên ngã ba sông.

Ông Phan Tiến Lập dùng bút mô tả lại hình dáng cá Anh Vũ trên giấy theo trí nhớ.

Từng bắt được hàng chục con cá Anh Vũ trong nghề chài lưới, nên ông Lập có nhiều kinh nghiệm săn giống cá quý này. Theo ông, anh vũ là giống cá khôn lanh và rất sạch. Nơi ở của chúng là các hang hốc đá nước lạnh và sạch ở ngã ba sông. Do chuyên ăn rêu đá nên có cái mồm và môi rất đặc biệt. Hàng năm, chúng chỉ chui ra ngoài hang để kiếm ăn nhiều từ độ tháng 11 âm lịch năm nay đến tháng 3 âm lịch năm sau. Hễ có nước lên là chúng biến mất một cách khó hiểu, nên không bao giờ đánh được anh vũ vào mùa này. Ông Lập nhớ lại từng lần bắt được cá Anh Vũ: “Chủ yếu cá bắt được vẫn là loại từ 5-7 lạng hoặc gần một kg/con. Đáng nhớ là năm 1986 tôi đánh được một con to gần 2kg, rồi có năm hai ngày liên tiếp tôi bắt được hai con bằng chài tay và cụp... Con Anh Vũ nó đẹp như tranh ấy. Khi thả vào chậu nước, lúc nó bơi các vây giương ra với nhiều mầu sắc óng ánh, nhất là các vây lưng và hai bên giương ra như cánh buồm trên tranh Đông Hồ. Đặc biệt, hai bên thân có một đường chỉ chạy giữa thân, có đủ ba mầu xanh trắng hồng như kẻ chỉ từ mang đến hết đuôi. Lần nào đánh được, tôi cũng mang cá luôn về nhà, thả vào chậu. Bà con làng xóm đến xem rất đông, ai cũng khen con cá này rất đẹp về hình dáng. Nó đúng là linh vật và là con cá đẹp nhất trong các loài cá ở ngã ba sông này”. Ông Lập kể thêm: “Vì con Anh Vũ nó rất khôn lanh, nên phải biết chỗ nào có cửa hang đá nó ở để rình quăng chài và thả cụp. Thời gian đánh được anh vũ thường là vào 3 giờ sáng và 3 giờ chiều nên phải bám sông, nếu không thì không có cơ hội gặp nó”.Khi bắt được cá anh vũ, hầu hết ông Lập đều đem bán. Tuy nhiên, ông cũng có lần để lại ăn. Món chế biến chủ yếu là nấu mẻ và sốt cà chua. “Thịt nó trắng như thịt gà, không một vết đỏ trong thịt và rất thơm, tôi ăn lần nào nhớ lần đó”- ông kể thêm và nhớ lại: “Năm 1986, có người nghe tin tôi hay đánh được cá anh vũ đã đến tận nhà đặt giá 17 triệu/kg nếu bắt được để làm quà, mà tôi cũng chịu không dám nhận lời”.

Cá Anh Vũ có mồm đặc trưng được hình thành do tập tính ăn rêu đá.

Giờ đây, dù đã gần 70 tuổi, ông vẫn hằng ngày theo nghề chài lưới nhưng cá đánh được nơi ngã ba sông chủ yếu là cá chiên, cá ngạnh, lăng, lắm khi cả rô phi, cá vền, cá mè sông, cá chầy… Ông bồi hồi nhớ lại: “Vào năm 1990 lần cuối cùng tôi bắt được một con Anh Vũ tầm 2 lạng. Cũng từ đó đến nay tôi và anh em làm nghề trên ngã ba sông tuyệt nhiên không một lần nào đánh được loài cá quý hiếm này nữa…”.

Cá Anh Vũ liệu đã biến mất?

Tiếp tục săn tìm loài “linh vật” sông Lô, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Hòa- Chủ quán cá Hạc Trì, nơi dân sành ăn đồn có thể có mối cá Anh Vũ. Bà Hòa thông tin: “Nhà hàng chúng em vẫn thi thoảng có cá anh vũ bán cho khách, nhưng chủ yếu khách mua về biếu, chứ ăn tại nhà hàng cũng rất hiếm, vì bản thân anh vũ đã là loài cá hiếm rồi. Mùa có sương (tháng 10 âm trở đi) thì hay nhập được cá anh vũ do nhà hàng có mối, có là họ gọi điện. Con to chỉ hơn 1kg chút nhưng không phải cá sông Lô mà là anh vũ sông Hồng (khu vực Phú Thọ) và mạn Quế Lâm (Hà Giang). Dù không phải cá sông Lô, nhưng anh vũ tại nhà hàng vẫn bán từ 9-12 triệu đồng tuỳ cân nặng. Khách phải đặt trước, khi nào có nhà hàng sẽ ưu tiên gọi”.

Theo bà Hòa, ở sông Hồng năm nào có nước nhiều dân chài vẫn đánh được cá Anh Vũ, thậm chí có con còn mang trứng. Nhưng chủ yếu nhà hàng vẫn nhập cá mạn Hà Giang, Tuyên Quang về. Bà Hòa bật mí: “Do cá Anh Vũ quá hiếm và giá đặc biệt cao nên không biết ngày nào có. Khách muốn ăn, cứ để lại số điện thoại, nhà hàng sẽ ưu tiên gọi theo thứ tự. Nếu ăn tại nhà hàng thì chúng em sẽ chế biến, còn mang cho, biếu thì sẽ hướng dẫn khách cách dưỡng cá, nuôi sống và vận chuyển. Nhà hàng luôn lưu ý khách là không có cá anh vũ sông Lô, nhất là cá ở ngã ba sông như đồn thổi nên ai nói có là không chính xác đâu nhé”.

Ngã ba sông bây giờ- nơi từng có thời kỳ là điểm sinh sống, quần tụ nhiều của loài cá quý Anh Vũ.

Đi dọc sông Đà với mong muốn có thêm thông tin về loài cá Anh Vũ, chúng tôi tìm vào nhà anh Dương Tiến Dũng ở khu 5, xã Xuân Lộc (Thanh Thuỷ)- một “dân chài gộc” ngoài làm nghề nuôi cá lồng còn chài lưới kiếm cá từ nhỏ. Nhắc đến anh vũ, anh Dũng lắc đầu: “Ôi giời ôi, lâu lắm không ai ở đây nhìn thấy nó rồi, có lẽ đã tuyệt chủng rồi cũng nên”. Địa bàn sông Đà lắm ghềnh thác, hang hốc đá, nên có thời kỳ, anh Dũng đã bắt được Anh Vũ bằng lưới. Anh kể: Lâu lắm rồi, cũng có vài lần may mắn bắt được nó nhưng con to nhất chỉ tầm 5-6 lạng thôi, cái mồm của nó thì không lẫn vào đâu được. Da lưng xanh biếc, vây óng ánh đẹp lắm. Bắt được toàn đem đi bán có dám ăn đâu vì nó là cá quý, có cá là có người tìm đến ngay. Từ hồi sông Đà hay khan cạn, làm cầu, phá đá nhiều, tầu bè khai thác cát dồn dập nên hàng chục năm nay không ai bắt được cá Anh Vũ nữa“. Đưa cho anh xem những tấm hình cá Anh Vũ chúng tôi sưu tầm được, anh Dũng bùi ngùi: “Cá quý lắm, dân chài chúng tớ có nhiều người còn không nhìn thấy nó lần nào ấy. Giá mà có dự án nhân giống, bảo tồn loài này thì tốt biết bao nhiêu”.

Đã từng nhân giống thành công

Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ đã từng được chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và nhân giống thành công loài cá Anh Vũ. Cá giống chủ yếu mua từ cá tự nhiên tận Na Hang (Tuyên Quang) thuần dưỡng trên đó sau đó vận chuyển về Phú Thọ. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu nuôi vào tháng 7/2007, những trận rét mùa đông năm 2008 đã khiến cá chết hàng loạt, cuối cùng 60 con cá giống đầu tiên được “làm bố làm mẹ” vào năm 2011. Những con cá đầu tiên đã được các cán bộ của Chi cục mang đi thả vào môi trường tự nhiên để gây dựng lại nguồn gen quý hiếm. Hơn 1.000 con cá Anh Vũ đầu tiên nhân giống thành công đã được mang thả xuống đầm Ao Châu (Hạ Hòa), hồ Ly (Yên Lập), hồ Xuân Sơn (Tân Sơn)... Những con cá Anh Vũ quý hiếm được hồi sinh mở ra niềm hy vọng mới về những nguồn gen cá quý ngỡ đã “một đi không trở lại”.

Trở lại với ông Lập- người có cơ duyên và kinh nghiệm săn cá Anh Vũ ở ngã ba sông, ông cho biết: Giờ ở ngã ba sông chắc không còn cá anh vũ nữa. Trước đây, nước sông có điểm sâu 20-30m, nhiều ghềnh đá và hang hốc, nhưng do đánh mìn phá hòn (phá đá), khai thác cát sỏi… nên chỉ còn sâu quãng 5-6m, nước không còn sạch và đủ độ lạnh, rêu cũng hết nên cá bỏ đi hết hoặc không sinh sản thêm nên càng ngày càng hiếm. Đặc biệt, từ ghềnh đá cầu Việt Trì ra khu vực ngã ba sông là nơi cá Anh Vũ hay sinh sống thì giờ chắc không còn con nào tồn tại.

Ngước mắt nhìn ra ngã ba sông, nơi những con tầu chở cát đang hối hả ngược xuôi, ông Lập thở dài: “Tôi ước mong một lần nữa trong đời được nhìn thấy những con cá Anh Vũ nơi ngã ba sông này, nhưng có lẽ không thể anh ạ. Mong lắm có đơn vị nào nhân nuôi thành công, phát triển các mô hình cá thương phẩm, để con cá Anh Vũ được hồi sinh trên đất này, vì không chỉ là bảo tồn được loài cá quý mà còn lưu giữ được những độc đáo hiếm có trên dòng sông Lô”.

Theo Báo Phú Thọ