Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Las Vegas, Mỹ ngày 9-7. (Nguồn: reviewjournal.com)
Theo trang worldometers.info, tính đến 5h sáng ngày 11-7, thế giới ghi nhận 12.586.969 ca nhiễm COVID-19, trong đó 561.393 người tử vong, 7.315.548 người đã hồi phục.
Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 3.279.843 ca nhiễm, 136.490 ca tử vong. Tiếp sau đó là Brazil, Ấn Độ, Nga và Peru.
Bang Nevada của Mỹ đóng cửa lại các cửa hàng do dịch bệnh
Ngày 10-7, Thống đốc Nevada Steve Sisolak cho biết bang này sẽ thực hiện lại các hạn chế đối với những quán bar ở một số khu vực trong bối cảnh gia tăng các trường hợp Mắc COVID-19.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Thống đốc Sisolak xác nhận rằng các quán bar ở các hạt Washoe và Clark phải quay trở lại các hạn chế như đã từng trong giai đoạn một.
Thống đốc Sisolak nói: "Chúng tôi biết rằng COVID-19 có thể dễ dàng lây lan khi mọi người tụ tập trong thời gian dài, như bên trong một quán bar."
Ngoài ra, Thống đốc Sisolak cũng cho biết động thái mới nhất được đưa ra sau cuộc thảo luận giữa chính quyền bang với đại diện của Bộ Y tế Mỹ và Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA). Hiện một số khu vực khác của bang Nevada có thể phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự.
Tháng trước, bang Nevada đã ban hành chính sách yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc với bất cứ ai đi tới những nơi công cộng. Hiện bang này ghi nhận hơn 25.000 trường hợp mắc COVID-19 với 574 ca tử vong.
Nevada đã phải chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mới mắc COVID-19 kể từ khi khôi phục lại các hoạt động kinh doanh hồi tháng trước.
Mexico và Mỹ có khả năng kéo dài lệnh hạn chế đi lại qua biên giới
Trong khí đó, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cùng ngày thông báo Mexico và Mỹ đang nghiên cứu khả năng kéo dài lệnh hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung tới tháng 8-2020.
Bộ Ngoại giao Mexico cho biết các hạn chế đi lại đã được cả hai nước áp đặt vào giữa tháng Ba và được gia hạn 2 lần vào tháng Năm và tháng Sáu. Hiện, lệnh hạn chế đi lại có hiệu lực tới ngày 21-7.
Ngoại trưởng Marcelo Ebrard khẳng định hạn chế trên cũng không ảnh hưởng tới công dân của nước này làm việc tại Mỹ và ngược lại. Quan chức Mexico cho biết hai bên đã nhất trí danh mục các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo lưu thông thương mại qua biên giới chung.
Theo thống kê của cơ quan cửa khẩu, mỗi ngày khoảng 1 triệu công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD.
Bộ Ngoại giao Mexico cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, hơn 1.400 công dân nước này tử vong do COVID-19 tại Mỹ. Bên cạnh đó, Mexico đã ghi nhận 282.283 ca bệnh, trong đó có 33.526 ca tử vong do COVID-19 ở trong nước.
Italy cân nhắc kéo dài tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng Giuseppe Conte ngày 10-7 cho biết tình trạng khẩn cấp dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là công cụ hữu ích để kiểm soát virus SAR-CoV2, do đó việc duy trì tình trạng khẩn cấp là cần thiết và có thể tiếp tục kéo dài sau ngày 31-7.
Phát biểu trước báo giới về khả năng duy trì tình trạng khẩn cấp COVID-19, Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định: “Có các điều kiện để tiếp tục tình trạng khẩn cấp sau 31-7 và tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát virus. Mặc dù vẫn chưa có quyết định chính thức nhưng chúng ta sẽ theo định hướng này."
Theo kế hoạch, tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19 tại Italy sẽ kéo dài trong sáu tháng, từ ngày 31-1 đến 31-7, tuy nhiên những ổ dịch mới vẫn tiếp tục xuất hiện và hiện vẫn còn năm vùng có chỉ số RT (chỉ số lây nhiễm sau khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan) trên 1. Vùng tâm dịch phía Bắc Emilia Romagna và Veneto có chỉ số RT là 1,2, Toscana (1,12), Lazio (1,07) và Piemonte (1,06).
Trong khi đó, Bộ Y tế và Viện Y tế cấp cao Italy cho biết: “Mặc dù các biện pháp phong tỏa tại Italy đã kiểm soát hiệu quả tình trạng lây nhiễm virus, tuy nhiên sự phát tán virus vẫn tồn tại và khi điều kiện thuận lợi, các ổ dịch cũng có thể bùng phát."
Tính đến ngày 10-7, Bộ Y tế Italy cho biết tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 242.639 ca, trong đó, số ca tử vong là 34.938 trường hợp và số ca bình phục là 194.273 trường hợp. Hiện vẫn còn 844 trường hợp nhập viện với các triệu chứng và 65 ca điều trị tích cực.
Cơ quan quản lý hàng không Nga công bố kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế
Cơ quan quản lý hàng không Liên bang Nga - Rosaviasia, ngày 10-7 cho biết đã lập lịch trình nối lại các chuyến bay thương mại với nước ngoài. Ban đầu sẽ nối lại các chuyến bay đến các quốc gia có tình hình vệ sinh dịch tễ thuận lợi nhất.
Thông cáo của Rosaviasia cho biết: “Các giai đoạn đầu liên quan đến việc mở các chuyến bay tới các nước có điều kiện vệ sinh và dịch tễ học thuận lợi nhất. Hoạt động nối lại vận tải hàng không quốc tế sẽ dựa trên cơ sở có đi có lại."
Rosaviasia đã gửi thông báo tới cơ quan quản lý hàng không của một số nước với đề xuất cùng nối lại các chuyến bay quốc tế. Một số nước đã gửi đề xuất tương ứng và các đề xuất này đang được tham vấn.
Hoạt động vận tải hàng không với các quốc gia khác sẽ được nối lại sau khi chính quyền các quốc gia này dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Nga và sau khi đánh giá tình hình vệ sinh dịch tễ tại các nước này.
“Việc khôi phục hàng không quá cảnh sẽ diễn ra khi các quốc gia nước ngoài dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế và cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh vào lãnh thổ của họ," Rosaviasia kết luận.
Trước đó cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova tuyên bố việc thảo luận nối lại các chuyến bay quốc tế từ Nga và từng bước dỡ bỏ các hạn chế liên quan sẽ bắt đầu từ ngày 15-7. Cứ hai tuần một lần, nhà chức trách sẽ đánh giá tình hình vệ sinh dịch tễ ở các nước và điều chỉnh, nếu cần, danh sách các quốc gia nối lại các chuyến bay.
Nga đã ngừng các chuyến bay thường xuyên và chuyến bay thuê với các nước từ cuối tháng 3 do đại dịch COVID-19.
Australia cho phép điều trị bằng Remdesivir
Ngày 10-7, Australia đã cho phép sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị bệnh COVID-19, sau một quyết định tương tự từ Ủy ban châu Âu (EC).
Tuyên bố của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) cho biết Remdesivir là loại thuốc đầu tiên được các cơ quan chức năng của nước này cho phép sử dụng để điều trị COVID-19 và hứa hẹn sẽ rút ngắn thời gian nằm viện của các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuyên bố của TGA nêu rõ: “Nhờ khả năng rút ngắn thời gian hồi phục, các bệnh nhân sẽ có thể xuất viện sớm hơn, qua đó giải phóng giường bệnh cho những người có nhu cầu."
Cũng theo TGA, mặc dù đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Australia, song vẫn phải thừa nhận thực tế là chưa có bằng chứng nào khẳng định thuốc Remdesivir có khả năng ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2, hay làm dịu những ca bệnh nhẹ hơn.
Hiện TGA mới chỉ cho phép sử dụng thuốc Remdesivir cho các bệnh nhân trong độ tuổi vị thành niên và trưởng thành. Các trường hợp bệnh nặng bị hạn chế sử dụng.
Ngoài Australia, một số quốc gia khác ở châu Á cũng đã cho phép sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị COVID-19.
WHO đánh giá khả năng kiểm soát dịch bệnh
Ngày 10-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết vẫn có khả năng kiểm soát được đại dịch COVID-19, bất chấp số ca nhiễm mới tăng gấp đôi trong sáu tuần qua.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva, Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các mẫu bệnh phẩm từ Tây Ban Nha, Italy, Hàn Quốc hay ổ dịch lớn nhất của Ấn Độ đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng khi dịch bệnh bùng phát nhưng cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể được kiềm chế thông qua các biện pháp tích cực.
Ông nói: "Trong sáu tuần qua, số ca mới mắc COVID-19 đã tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên, các mẫu bệnh phẩm gửi về từ nhiều nơi trên thế giới cho thấy, kể cả khi đại dịch đang bùng phát, vẫn có khả năng kiểm soát được. Các biện pháp mạnh như xét nghiệm, truy vết, cô lập và chữa trị với những người mắc bệnh là chìa khóa giúp phá vỡ chuỗi lây lan của virus."
Tính tới nay, đại dịch COVID-19 đã làm ít nhất 555.000 người thiệt mạng trên thế giới kể từ khi bùng phát hồi cuối năm ngoái. Trong khi đó, có gần 12,3 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng giám đốc WHO cho rằng có thể xoay chuyển tình hình hiện nay nếu triển khai các biện pháp mạnh cùng với sự đoàn kết của các quốc gia lẫn cộng đồng quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+