Ngày 25-4, theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, hơn 20 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm vắcxin sởi hàng năm trong vòng 8 năm qua, là nguyên nhân làm cho dịch sởi bùng phát trên thế giới như hiện nay.
Tại Việt Nam, những ca mắc bệnh sởi tăng gấp đôi trong hai năm gần đây, từ 1.117 trường hợp mắc bệnh năm 2017 tăng lên 2.256 ca năm 2018. Hơn một phần ba những trường hợp mắc sởi (36%) nằm trong nhóm trẻ từ 1-4 tuổi. Nguyên nhân chính là do các bậc cha mẹ đã do dự trì hoãn việc tiêm vắcxin cho con.
Để đẩy lùi sự lây lan của bệnh sởi cần phải tiêm chủng cho mọi trẻ em. (Ảnh: UNICEF)
Thông điệp này được UNICEF đưa ra nhân dịp Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới - được tổ chức vào tuần cuối của tháng Tư, nhằm thúc đẩy việc sử dụng vắcxin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi khỏi bệnh tật.
UNICEF ước tính, trên thế giới có khoảng 169 triệu trẻ em không được tiêm mũi đầu vắcxin phòng bệnh sởitrong giai đoạn 2010-2017, hoặc trung bình 21 triệu trẻ em mỗi năm.
Số lượng trẻ em không được tiêm vắcxin gia tăng đã góp phần làm cho dịch sởi bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới.
Bà Henrietta Fore - Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết, nguyên nhân dịch sởi bùng phát trên thế giới hiện nay đã bắt nguồn từ nhiều năm trước. Trẻ em chưa được tiêm vắcxin sẽ mắc virus sởi. Vì vậy, để đẩy lùi sự lây lan của bệnh sởi cần phải tiêm chủng cho mọi trẻ em, cả ở các quốc gia giàu và nghèo.
Trong ba tháng đầu năm 2019, hơn 110.000 ca mắc sởi đã được báo cáo trên thế giới - tăng gần 300% so với cùng thời điểm năm 2018. Ước tính 110.000 người, phần lớn là trẻ em tử vong vì sởi trong năm 2017, tăng 22% so với năm 2016.
Theo các chuyên gia, vắcxin phòng bệnh sởi an toàn và hiệu quả. Bên cạnh việc cứu sống trẻ, tiêm phòng sởi cho trẻ còn giúp bảo vệ trẻ khỏi những đau đớn, biến chứng đáng sợ khi mắc sởi. Tiêm chủng cũng giúp cho cha mẹ và gia đình không phải lo lắng và tốn kém khi trẻ bị ốm. Hai mũi vắcxin sởi là thiết yếu để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh này.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị mức độ bao phủ của tiêm chủng cần phải đạt ngưỡng 95% để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Theo số liệu mới nhất, ở các quốc gia thu nhập cao, mức độ bao phủ đối với vắcxin sởi mũi đầu là 94%, trong khi đó mũi hai giảm còn 91%.
Hoa Kỳ đứng đầu danh sách các quốc gia có thu nhập cao nhưng nhiều trẻ em chưa được tiêm mũi đầu vắcxin sởi trong giai đoạn 2010-2017 (hơn 2,5 triệu trẻ em). Sau đó là Pháp (600.000 trẻ) và Anh (500.000 trẻ) trẻ sơ sinh chưa được tiêm mũi đầu vắcxin sởi trong cùng giai đoạn.
Theo UNICEF, ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tình hình hết sức đáng lo ngại. Mức độ bao phủ trên thế giới đối với tiêm chủng mũi hai vắc-xin sởi còn đáng báo động hơn. Trong danh sách 20 quốc gia có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất năm 2017 thì 9 quốc gia chưa triển khai mũi hai vắcxin sởi.
20 quốc gia ở khu vực Châu Phi hạ Sahara cũng chưa đưa mũi hai vắcxin sởi vào chương trình tiêm chủng quốc gia, khiến hơn 17 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm rơi vào nguy cơ cao mắc bệnh sởi./.
Theo THÙY GIANG (Vietnam+)