Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH…
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH
Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH có 9 điểm mới đáng chú ý:
Thứ nhất, thêm 4 đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, gồm: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương; người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ linh hoạt.
Thứ hai, giảm 1/2 số năm đóng BHXH để được hưởng hưu trí: giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới chỉ còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp cho NLĐ, tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Thứ ba, thiết kế gói BHXH ngắn hạn cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện: giúp họ linh hoạt lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Gói BHXH cho NLĐ làm việc ở khu vực phi chính thức với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với đối tượng này nhằm đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức.
Thứ tư, NLĐ được nghỉ hưu trước 5 tuổi so với quy định: từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định chung.
Thứ năm, sửa đổi quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ. Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng vào Quỹ BHXH theo hướng hài hòa quyền lợi giữa người sử dụng lao động và NLĐ với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH.
Thứ sáu, trả lương hưu không phụ thuộc vào tiền lương: thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc. Thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách Nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Thứ bảy, đầu tư trái phiếu Chính phủ vào Quỹ BHXH: đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao.
Thứ tám, điều chỉnh cách tính lương hưu theo hướng giảm tỷ lệ tích lũy, bảo đảm khả năng cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia BHXH thực tế, bảo vệ quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp.
Thứ chín, hạn chế tình trạng hưởng BHXH 1 lần, theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH 1 lần.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Diệp Thành Bu cho biết: tính đến cuối tháng 7-2018, toàn tỉnh có 104.763 người tham gia BHXH bắt buộc (đạt tỷ lệ 99,37% so với kế hoạch, tăng 8.742 người so với cùng kỳ năm 2017). Phấn đấu đến cuối năm 2018, tỉnh An Giang sẽ có 105.431 người tham gia BHXH.
Để cụ thể hóa thực hiện chính sách, BHXH tỉnh An Giang sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH. Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Nhân dân, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH. Tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ BHXH; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU