Điểm nhấn du lịch chợ nổi Long Xuyên

26/10/2023 - 06:25

 - Nếu muốn tìm đến một khu chợ nổi nguyên sơ, chân chất, “rặt” miền sông nước Nam Bộ, thì chợ nổi Long Xuyên (tỉnh An Giang) là địa điểm phù hợp. Nhịp họp chợ, nhịp buông chèo nơi đây vẫn mang hồn cốt thuở xưa, hầu như không có sự can thiệp, sắp đặt của dịch vụ du lịch (DL). Nhưng nếu chỉ khai thác DL theo cách thức cũ, thì chợ nổi Long Xuyên sẽ không thể phát huy hết tiềm năng vốn có.

Chợ nổi Long Xuyên mang đậm nét văn hóa truyền thống cổ truyền miền Tây rất đặc sắc. Dòng sông Hậu mênh mang một lòng chảy, thông thương với các kênh rạch trong nội ô Long Xuyên, tạo thành mạng lưới giao thông thủy rộng khắp.

Cũng từ vị thế độc đáo ấy, mọi sinh hoạt, đi lại của người dân diễn ra trên sông nước nhiều hơn trên đường bộ. Có cầu ắt có cung, những khúc sông dần dần trở thành khúc chợ nổi, quy tụ nhiều người mua bán nhộn nhịp. Kể cả khi cầu đường được xây dựng, đời sống chuyển hướng “lên bờ”, chợ nổi vẫn tồn tại, bởi nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng giao thông thủy còn đó, chưa mất hẳn.

Đến với chợ nổi Long Xuyên, khách phương xa không bị choáng ngợp bởi xuồng ghe tấp nập, hàng hóa dồi dào trĩu nặng mạn xuồng - khung cảnh thường thấy của ngày xưa. Ngược lại, chợ “thức giấc” lúc 5 giờ, khi mặt trời chưa tỏ. Nhiều ghe lục đục tiếng khuân vác hàng lên bờ, tiếng người trò chuyện đặc quánh.

Trong ánh sáng lem luốc của buổi sớm tinh mơ, du khách yên vị trên những chiếc ghe, xuồng phục vụ DL, nghe gió thấm mát áo quần. Vậy mà, di chuyển trên sông chừng 15 phút, khung cảnh đã thoáng đãng hơn, ánh sáng đã tràn ngập mặt sông.

Từ thời điểm đó cho đến 8 giờ, nắng dịu nhẹ, ghe xuồng đậu san sát nhau. Quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra bình lặng, nhanh chóng, nhịp nhàng theo sóng nước. Bởi mọi người đã quá quen thuộc, với mặt hàng của nhau, không còn chuyện mặc cả, tranh giành.

Một điểm nhấn đặc sắc khi đến với chợ nổi Long Xuyên, là bữa ăn sáng chòng chành trên xuồng. Những chiếc xuồng nhỏ xíu như hàng quán di động, bán đủ món ăn sáng thường thấy ở miền Tây: Hủ tiếu, bánh canh, bún thịt xào…

Xuồng này bán món này, xuồng kia bán món kia, xuồng nọ bán nước giải khát, chia nhau mà mưu sinh. Xuồng nhỏ lách dòng nước, nhiệt tình mang bữa sáng nóng hổi cho người trải qua đêm dài trên ghe lớn, cho khách DL trên chuyến đò đông đúc. Ăn sáng xong, cũng là lúc nắng gay gắt phản chiếu xuống dòng nước, nhắc nhở khách quay về bờ trốn nóng. Chợ nổi bịn rịn tan, hẹn sáng mai họp lại...

Nhưng khung cảnh êm ả ấy khó lòng níu chân du khách quay trở lại nhiều lần, nếu vẫn hoạt động đơn sơ, tự phát. Nếu không tìm hiểu kỹ thông tin, khách khó lòng biết được thời gian hoạt động của chợ, không kết nối được chủ đò. Kể cả khi lênh đênh trên khu chợ nổi, nếu không có “thổ địa”, khách ít nhận ra nét đẹp đặc trưng của chợ, bởi chợ nhóm họp rải rác theo thời điểm, chứ không cố định vị trí nào. Những điều ấy phần nào ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô DL chợ nổi. Mọi người “đi 1 lần cho biết”, rồi thôi!

Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Long Xuyên nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra giải pháp “Tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh DL của thành phố, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, con người; các khu, điểm, loại hình DL. Tiếp tục xây dựng Đề án “Phát triển DL sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Mỹ Hòa Hưng gắn với chợ nổi Long Xuyên, tỉnh An Giang” và đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Long Xuyên”. Địa danh này được kỳ vọng trở thành điểm nhấn cho DL địa phương, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống, vừa chuyển mình theo nhịp sống đô thị hiện đại.

Giữa tháng 10/2023, UBND TP. Long Xuyên làm việc với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, các đơn vị liên quan để bàn về DL sông nước gắn với chợ nổi. Dự kiến, chợ nổi Long Xuyên sẽ được sắp xếp lại, kết hợp khai thác DL từ bến phà Ô Môi đến Khu đô thị Tây Sông Hậu, với các phân khu chức năng, như: Khu ăn uống, khu buôn bán nông sản và trái cây, khu dành cho du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động giao thương thương hồ.

Việc sắp xếp lại chợ nổi nhằm đảm bảo trật tự mua bán và an toàn giao thông tại khu vực này, đồng thời gắn với hoạt động khai thác DL, gìn giữ nét văn hóa đặc trưng miền sông nước, cải thiện đời sống người dân khu vực chợ nổi, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và ẩm thực của du khách.

Tại cuộc họp, nhiều đơn vị trao đổi, đề xuất giải pháp xây dựng sản phẩm DL đặc thù chợ nổi Long Xuyên, như: Xây dựng cầu tàu, trang trí mới lại thuyền, sắp xếp ngành hàng, các điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách khi đến tham quan...

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Bảo Sinh thông tin: “Chúng tôi đề nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh tiếp tục phối hợp kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển DL chợ nổi Long Xuyên; tiếp tục hỗ trợ quảng bá điểm DL trên địa bàn thành phố nói chung và chợ nổi Long Xuyên nói riêng đến du khách trong và ngoài địa phương. Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố được giao nhiệm vụ sớm thông qua UBND thành phố về đề án khai thác DL sinh thái xã Mỹ Hòa Hưng gắn với chợ nổi Long Xuyên, làm cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới”.

Chuyển mình cho DL chợ nổi Long Xuyên thời điểm này không phải là sớm nữa. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, thì xu hướng tìm về truyền thống, về mộc mạc ngày xưa của du khách càng tăng lên. Nắm bắt được nhu cầu ấy, DL sông nước nói chung, DL chợ nổi Long Xuyên nói riêng, mới có thể bứt phá, xứng đáng với tiềm năng đang có.

VẠN LỘC