Điểm nhấn kinh tế hai tháng đầu năm 2021

07/03/2021 - 20:48

Về tổng thể, tình hình kinh tế - xã hội trong hai tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì đà phục hồi. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ tương đối ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Sản xuất công, nông nghiệp được cải thiện

Tính chung hai tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đều phát triển tốt, đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát. Đến giữa tháng Hai, cả nước gieo cấy lúa đông xuân bằng hơn 95,9%; ngô hơn 97,2%; khoai lang bằng 100,2%; lạc bằng 92,2% và rau đậu bằng 98,5% cùng kỳ năm trước. Tổng số bò cả nước tăng 2,2%; trâu giảm 2,7%; lợn tăng 15,5%; đàn gia cầm tăng 6,5%. Tính chung hai tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước tăng 1,5% (khai thác biển tăng 0,5%). Công tác trồng rừng vụ xuân và “Tết trồng cây” đầu xuân diễn ra ở nhiều địa phương.

Thị trường nội địa và xuất khẩu đều mở rộng, tiếp tục xuất siêu

Tính chung hai tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 1,29 tỷ USD; trong đó, khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.

Sự cải thiện đáng kể đồng đều xuất khẩu ở tất cả các nhóm hàng và khu vực thị trường xuất khẩu chính:

Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 26,6 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 17,3 tỷ USD, tăng 18,6%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 22,2%. Nhóm hàng thủy sản đạt 1 tỷ USD, tăng 0,7%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,5 tỷ USD, tăng 54,3%. Thị trường EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7%. Thị trường ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, tăng 6,2%. Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,8%. Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 3%.

Một góc TP Hồ Chí Minh.

Điểm tích cực nữa trong cơ cấu hàng nhập khẩu là, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 44,3 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm  93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 2,96 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 6,3%. Với tỷ lệ nhập khẩu tư liệu sản xuất rất cao này cho thấy nhu cầu hàng tiêu dùng ngoại nhập đã giảm mạnh, và triển vọng mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ của Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số rút khỏi thị trường

Trong tháng 2-2021, cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 56,9 nghìn người, giảm 20,3% về số doanh nghiệp, và giảm 50,9% về số lao động, song tăng 15,9% về tổng vốn đăng ký so tháng trước; đồng thời, tăng 45,5% vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp so tháng trước và tăng 111,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, cả nước còn có 4.604 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 29,2% so với tháng trước và tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; 3.593 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 80,1% và giảm 21,3%; 2.606 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 53,5% và giảm 32,2%; 1.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 28,4% và tăng 26,5%.

Tính chung hai tháng đầu năm 2021, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đạt 18,5 tỷ đồng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 385,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6,5 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2021 là 720,4 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có hơn 11 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong hai tháng năm 2021 lên 29,2 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong hai tháng đầu năm, cả nước có 33,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 16,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, giống như năm 2020, dịch Covid-19 khiến tổng số doanh nghiệp tham gia thị trường ít hơn số rút khỏi thị trường trong hai tháng đầu năm. Doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn tập trung nhiều ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, xây dựng. Gần 92% trong số này có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Các doanh nghiệp quy mô vốn hơn 100 tỷ đồng ngừng kinh doanh chỉ chiếm 0,6%, nhưng bù lại có mức tăng đột biến gần 60% so với cùng kỳ.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nguyên nhân khiến số lượng tạm ngừng kinh doanh tăng trưởng hai chữ số với cùng kỳ là doanh nghiệp muốn tiếp tục nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường và tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khi quyết định có đóng cửa vĩnh viễn hay không.

Có 11 trong số 17 ngành ghi nhận lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ, tập trung ở nhóm thiết yếu như sản xuất và phân phối điện, nước, gas, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, kinh doanh bất động sản. 

Điểm tích cực đáng chú ý là thị trường ghi nhận sự gia tăng dòng doanh nghiệp và đầu tư từ những ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh sang ngành ít rủi ro hơn, như bất động sản và tận dụng cơ hội nhờ các hiệp định thương mại và xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất cung ứng.

Vốn FDI thực hiện tăng, dù giảm về vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần

FDI thực hiện hai tháng qua ước tính đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điểm nhấn tích cực cho thấy triển vọng thị trường đầu tư trong nước và khả năng thích ứng cao của các doanh nghiệp FDI.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-2-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 126 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3,31 tỷ USD, giảm 74,8% về số dự án và giảm 33,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 115 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,61 tỷ USD, tăng 151,8%; 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 543,1 triệu USD, giảm 34,4%.  

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong hai tháng có năm dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 21,6 triệu USD; giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, hoạt động đầu tư trong hai tháng đầu năm 2021 mặc dù có sự tiếp tục tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước) và cốn FDI, song có sự suy giảm hoạt động đầu tư của khu vưc tư nhân cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Rõ ràng, cộng đống doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều áp lực từ đại dịch Covid-19 và chờ đợi các gói hỗ trợ hỗ chính sách  mới của Chính phủ, bất chấp lãi suất tín dụng ngân hàng trong nước tiếp tục giảm.

Các ngành nghề chịu nhiều ảnh hưởng của Covid-19 là nghệ thuật, vui chơi và giải trí; giáo dục và đào tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; vận tải kho bãi... Đặc biệt, ngành du lịch gặp khó do nặng nề nhất, với khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2-2021 ước đạt gần 11 nghìn lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước và hai tháng đầu năm ước đạt 28,7 nghìn lượt người, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát thấp, một số sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn lưu thông

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng trước (mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong năm năm gần đây) và tăng 1,58% so với tháng 12-2021 và tăng 0,70% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, chỉ tăng 0,70% so với cùng kỳ năm trước (thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay). CPI bình quân hai tháng đầu năm 2021 giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,64%. 

Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 2-2021 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 2,42% so với tháng 12-2020 và tăng 25,08% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô-la Mỹ tháng 2-2021 giảm 0,17% so với tháng trước; giảm 0,33% so với tháng 12-2020 và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam thăng hạng 'quyền lực mềm toàn cầu'

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại London (Anh) công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” ngày 25-2-2021 (giờ Việt Nam), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Cụ thể, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua.

Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

“Quyền lực mềm” Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới. 

Trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh.
 

TS NGUYỄN MINH PHONG

Theo Báo Nhân Dân