Vườn dưa lưới công nghệ cao và sản phẩm gạo sạch của HTX nông nghiệp Phú Thạnh
Ngành nông nghiệp huyện phối hợp các ngành chức năng tổ chức sắp xếp lại các HTX trên địa bàn, những HTX hoạt động không hiệu quả được giải thể; những đơn vị có quy mô nhỏ, số lượng thành viên tham gia ít được sáp nhập để nâng chất hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD). Sau khi kiện toàn bộ máy, đến nay, toàn huyện có 18 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Để nâng cao năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp, 5 năm qua, huyện Phú Tân đã phối hợp Liên minh HTX An Giang và các ngành chuyên môn tổ chức kiện toàn cán bộ quản lý bộ máy chủ chốt. Song song với tổ chức tập huấn nâng cao trình độ năng lực lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ quản lý là tuyển dụng, bố trí nhân sự về công tác tại các HTX. Đến nay, hầu hết cán bộ quản lý HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân đều được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, trong đó có 14 cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học. Tuy số lượng còn khá khiêm tốn nhưng đây là “làn gió mới” góp phần nâng chất các hoạt động của các HTX trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2019, huyện đã tổ chức tập huấn cho 30 cán bộ quản lý kế toán. Trong đó, nhiều cán bộ trẻ được đưa về HTX bắt nhịp công việc khá nhanh, tích cực học hỏi kinh nghiệm, chuyên môn, xem đây là bước khởi nghiệp chính thức sau thời gian được đào tạo bài bản ở các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành.
Bên cạnh công tác nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Phú Tân đã phối hợp các ngành chuyên môn thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: trụ sở làm việc, kho bãi, điều kiện mở rộng các dịch vụ sản xuất - kinh doanh (SXKD). Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba, khi sắp xếp lại tổ chức và thực hiện theo Luật HTX, Hội đồng quản trị đã mời 7 trí thức trẻ, trong đó có 5 người có trình độ đại học, 2 trung cấp đều là con em ở địa phương tham gia công tác quản lý điều hành. Đặc biệt 2 năm qua, khi được tỉnh đầu tư 2 tỷ đồng cộng với 400 triệu đồng vốn đối ứng của HTX, đơn vị đã xây dựng cơ ngơi khá khang trang, nhờ đó việc SXKD ngày càng thuận lợi. HTX đã mở rộng 14 loại hình dịch vụ nông nghiệp như: cày xới, bơm nước, cung cấp giống, cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX. Nhờ quản lý tổ chức SXKD hiệu quả, bình quân mỗi năm HTX có doanh thu gần 13 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, ngoài tích lũy vốn để tái sản xuất, đơn vị còn trích lợi nhuận trả lương cho cán bộ quản lý từ 6-7 triệu đồng/tháng. Ông Lê Hữu Hạnh (thành viên HTX) chia sẻ: “Từ khi tham gia vào HTX, hiệu quả sản xuất đã tăng rõ rệt, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới, hiện nay bà con sản xuất lúa, nếp chất lượng cao theo quy trình “1 phải, 5 giảm” có lợi nhuận tăng từ 10-20%. Mặt khác, khi liên kết sản xuất nhờ hưởng lợi từ các dịch vụ cơ giới hóa từ khâu làm đất cho đến khi thu hoạch nên chi phí sản xuất giảm đáng kể”.
Để đảm bảo nguồn vốn hoạt động cho các dịch vụ cũng như hỗ trợ vốn cho thành viên HTX đầu tư sản xuất, nhiều HTX nông nghiệp ở huyện Phú Tân còn thực hiện góp vốn cổ phần theo Luật HTX. Hàng năm, các đơn vị đều lập phương án SXKD dịch vụ, vốn góp cho mục tiêu nào, được triển khai thực hiện theo mục tiêu đó, toàn bộ vốn hoạt động được quản lý theo chế độ kiểm toán nhà nước, lợi nhuận thu được từ các dịch vụ sẽ được trích lập quỹ để tái sản xuất, trả lương cho cán bộ điều hành và chia lãi cho cổ đông theo tỷ lệ góp vốn cổ phần. Có thể khẳng định, 5 năm qua, với sự hỗ trợ của nhà nước để các HTX nông nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tham gia liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”, nâng cao thu nhập cho người nông dân… đã nâng vai trò của HTX nông nghiệp ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu như hiện nay.
MỸ HẠNH