Điểm sáng xuất khẩu

10/04/2024 - 14:46

 - Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh ước đạt 351,6 triệu USD, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 25% kế hoạch năm 2024, vượt 6,9% so với kịch bản tăng trưởng (329 triệu USD). Đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cùng sự tích cực trong công tác phối hợp của các sở, ban, ngành.

Nhiều điểm sáng

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực, các mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất khẩu tăng trưởng so cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh tương đối ổn định và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; tiếp tục giữ vững sự tăng trưởng cả về thị trường truyền thống và thị trường các Hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu của các DN được đảm bảo, duy trì phục vụ tốt nhu cầu sản xuất - kinh doanh trên địa bàn.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 300 triệu USD, tăng 5,32% so cùng kỳ, đạt 25,35% kế hoạch và vượt 8% so kịch bản (278 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 51,21 triệu USD, tăng 5,85% so cùng kỳ, đạt 23,81% kế hoạch, vượt 0,41% so kịch bản tăng trưởng (51 triệu USD). Riêng khối DN xuất, nhập khẩu ước đạt 329,41 triệu USD, tăng 8,7% so cùng kỳ.

Xuất khẩu thủy sản An Giang tiếp tục thắng lợi, quý I/2024, xuất khẩu ước đạt 39.000 tấn, tương đương 77,3 triệu USD, tương đương về sản lượng và tăng 1,7% về kim ngạch. Các DN chế biến thủy sản xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường truyền thống, chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ…), Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Colombia, Brazil…), Châu Âu (Nga, Hà Lan, Pháp…), Châu Đại Dương và Châu Phi.

Xuất khẩu gạo  

Tiếp đến là mặt hàng gạo, sản lượng xuất khẩu trong quý I/2024 ước đạt 113.300 tấn, tương đương 68,2 triệu USD; tăng 2,8% về lượng và tăng 12,4% về kim ngạch so cùng kỳ. Tỉnh An Giang có 14 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Hiện, sản phẩm gạo có mặt và tạo uy tín tại các thị trường lớn trên thế giới. Sản phẩm của các DN trên thị trường hiện nay, gồm: Gạo thơm, gạo trắng, gạo lức, gạo đồ, tấm, nếp...

“Nhu cầu lương thực của các nước vẫn rất cao, thị trường xuất khẩu gạo của các DN trong tỉnh chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (Indonesia, Philippines, Trung Quốc…), Châu Phi (Ghana…), châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha…), Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Brazil…) và Châu Đại Dương” - Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng khẳng định.

Xuất khẩu rau quả đông lạnh cũng là thế mạnh của tỉnh, sản lượng xuất khẩu rau quả trong quý I/2024 ước đạt 35.400 tấn, tương đương 16,5 triệu USD; so cùng kỳ tăng 10,7% về kim ngạch. Thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Ba Lan, Hồng Kông… Hàng may mặc (quần áo) ước xuất khẩu đạt 60,8 triệu USD, tăng 15,4% về kim ngạch so cùng kỳ. Sản phẩm hàng may mặc xuất khẩu vẫn ổn định ở thị trường Hoa Kỳ, Bỉ, Trung Quốc. Ngoài ra, một số mặt hàng khác kim ngạch xuất khẩu đạt khá trong quý I/2024, như: Hàng giày dép xuất khẩu đạt 47,5 triệu USD, tăng 13% về kim ngạch so cùng kỳ; thuốc lá gói xuất khẩu đạt 5,2 triệu USD, tăng 61% về kim ngạch so cùng kỳ.

Thúc đẩy, hỗ trợ xuất khẩu

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Để thúc đẩy xuất khẩu, Sở Công Thương ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh năm 2024 (lĩnh vực ngành công thương). Đồng thời, đề nghị Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) hỗ trợ, tạo điều kiện cho An Giang thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm 2024. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, thông qua việc kết nối với thương vụ nước ngoài để kết nối DN, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ thêm về pháp lý, thông tin về các hiệp định thương mại tự do thông qua các lớp tập huấn, đào tạo và xây dựng cẩm nang về FTA cho từng ngành hàng, thị trường và hàng rào phi thuế quan. Thông tin và mời các DN kinh doanh xuất khẩu tham dự các chuỗi sự kiện, buổi tọa đàm, diễn đàn kinh tế với nước ngoài...

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các hoạt động về thương mại biên giới được đẩy mạnh. Đặc biệt, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế thuộc lĩnh vực ngành công thương năm 2024; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trong nhóm Zalo “Thông tin Đầu mối EVFTA - 63 tỉnh, thành phố” do Vụ đa biên (Bộ Công Thương) làm trưởng nhóm để chủ động các cung cấp thông tin, hướng dẫn các nội dung cam kết thương mại tự do và các vấn đề có liên quan đến hiệp định cho DN…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong quý I/2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 8% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu thủy sản vẫn còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, vấn đề thẻ vàng IUU của thị trường EU, thuế chống trợ cấp tại Hoa Kỳ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Hoa Kỳ, Trung Quốc… Do vậy, DN Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng từ các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể hồi phục và bứt phá sớm hơn.

Theo Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8%. Nhiều tiền đề cho thấy, xuất khẩu rau quả còn tiếp tục bứt phá và sẽ phá vỡ kỷ lục năm 2023

 

 HẠNH CHÂU