Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.355.425 ca, trong đó có 376.807 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 2.886.826 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 53.378 và 3.083.960 ca đang điều trị tích cực.
Xu hướng chung ở nhiều khu vực trên thế giới là dịch đang được kiểm soát tốt và các biện pháp hạn chế phòng dịch dần được dỡ bỏ. Xu hướng mở cửa trở lại cũng đang diễn ra kể cả ở những quốc gia vẫn ghi nhận con số ca nhiễm virus và tử vong cao như Mỹ, Nga, Ấn Độ và các nước Mỹ Latinh.
Người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ở Quảng trường Thời đại, New York ngày 31-5. Ảnh: Getty Images
Mỹ: Nguy cơ COVID-19 lây lan trong làn sóng biểu tình
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 1-6 cảnh báo việc người biểu tình tụ tập đông để phản đối vụ công dân da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng Mỹ sát hại có thể là cơ hội để dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát và dễ dàng lây lan. Ông Cuomo nhấn mạnh bang New York đã đạt được những thành quả nhất định trong cuộc chiến chống COVID-19 và ông hy vọng khu vực phía Tây của bang sẽ chuyển sang giai đoạn 2 mở cửa lại kể từ ngày 2-6. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp được đánh giá là "thiết yếu hơn", với ít nguy cơ lây nhiễm hơn với người lao động và khách hàng sẽ được ưu tiên mở cửa lại.
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio ngày 1-6 đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm tại thành phố này từ 23h00 đến 5h00 sáng hôm sau trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đôi khi biến thành bạo lực đang lan rộng khắp cả nước, dấy lên lo ngại về lây lan dịch COVID-19. Hiện các chuyên gia y tế kêu gọi người biểu tình hãy đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn thay thường xuyên và đảm bảo quy định giãn cách xã hội để tránh làm dịch COVID-19 lây lan trở lại.
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận 19.630 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 1.856.800 trường hợp, trong đó có 106.851 ca tử vong, tăng 656 ca, và 608.191 bệnh nhân đã hồi phục.
Mỹ Latinh bắt đầu mở cửa lại dù vượt qua mốc 1 triệu ca bệnh
Theo thống kê của hãng tin Pháp AFP dựa trên các số liệu chính thức, khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận hơn 1 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó Brazil đứng đầu khu vực với 525.307 ca (tăng 10.458 trong 24 giờ qua), bao gồm 29.534 ca tử vong (tăng 463 ca).
Người dân đeo khẩu trang chơi bài tại một quảng trường vắng vẻ ở Sao Paulo, Brazil ngày 7-5-2020. Ảnh: Getty Images
Tại Brazil, bang đông dân nhất nước này là Sao Paulo ngày 1-6 đã bắt đầu mở cửa lại một số ngành như thương mại, văn phòng, bất động sản, mua bán ô tô, theo lộ trình 5 giai đoạn mở cửa lại. Thành phố Rio de Janeiro cũng sẽ bắt đầu giai đoạn đầu tiên trong lộ trình 6 bước nới lỏng phong toả, theo đó một số hoạt động kinh doanh không thiết yếu sẽ được mở cửa lại từ ngày hôm nay 2-6. Thị trưởng thành phố, Marcelo Crivella hy vọng, Rio de Janeiro sẽ "trở lại bình thường" từ đầu tháng Tám.
Trong khi đó, Peru là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 2 tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe với 170.039 ca, tiếp đến là Chile (105.139 ca) và Mexico (90.664 ca). Ngày 1-6 (theo giờ địa phương), Mexico đã bước sang giai đoạn mới của quá trình thiết lập trạng thái "bình thường mới", mở cửa lại một số ngành kinh tế, như khai mỏ, xây dựng, sản xuất thiết bị ô tô....
Nga nới lỏng hạn chế tại Moskva, chuẩn bị phân phối thuốc kháng virus SARS-CoV-2
Cho dù số ca nhiễm virus mới tại Nga đang ở mức cao thứ hai chỉ sau Mỹ, thủ đô Moskva vẫn quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các trung tâm thương mại và công viên được mở cửa trở lại từ ngày 1-6. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo dịch bệnh ở Nga đã qua đỉnh. Tuy nhiên, lệnh cấm tụ tập đông người vẫn duy trì trong thời gian cách ly toàn Moskva mà theo quy định sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 14-6 tới.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 9.035 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 414.878, trong đó có 4.844 ca tử vong (tăng 162 ca) và 175.877 người đã hồi phục.
Sau khi cấp phép thuốc kháng virus SARS-CoV-2, có tên gọi Avifavir, nhà chức trách Nga cho biết sẽ bắt đầu phân phối loại thuốc này để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 từ ngày 11-6. Lượng thuốc được sản xuất đủ để điều trị khoảng 60.000 bệnh nhân mỗi tháng. Đây là loại thuốc đầu tiên điều trị COVID-19 được cơ quan y tế Nga cấp phép sau khi trải qua các cuộc thử nghiệm.
Cùng ngày, Bộ Y tế Belarus cho biết nước này đã ghi nhận thêm 894 ca mắc COVID-19. Tính đến nay, Belarus đã ghi nhận tổng cộng 41.658 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 17.964 bệnh nhân đã bình phục và 229 người tử vong. Belarus là một trong 5 nước châu Âu ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong vòng 14 ngày qua đồng thời là một trong 10 nước có tỷ lệ số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên một triệu dân lớn nhất.
Thủ tướng Armenia và cả gia đình dương tính với SARS-CoV-2
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 1-6 thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Phát biểu trên trang mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Pashinyan cho biết ông không có bất kỳ triệu chứng nào. Ông quyết định xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi có kế hoạch đến thăm tuyến đầu chống dịch trong nước. Theo Thủ tướng Pashinyan, toàn bộ các thành viên trong gia đình của ông cũng đã nhiễm bệnh.
Armenia - có dân số 3 triệu người, đã ghi nhận 9.402 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 139 trường hợp tử vong.
Các nước châu Âu tiếp tục mở cửa lại
Cũng trong ngày 1-6, Anh bắt đầu mở cửa trở lại một phần các trường học và cho phép những đối tượng dễ bị tổn thương nhất ra ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Na Uy cũng "bật đèn xanh" cho các nhà hàng, quán rượu mở cửa đón khách hậu phong tỏa.
Các bảo tàng và tượng đài ở Italy đang dần mở cửa lại. Ảnh: CNN
Trong khi đó, sau hơn 1 tháng dần nới lỏng phong toả, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm mạnh ở Italy. Trong ngày 1-6 chỉ có 178 ca nhiễm virus mới, mức thấp nhất kể từ ngày 26-2, đưa tổng số ca bệnh lên 233.197, bao gồm 33.475 ca tử vong, tăng 60 người.
Ấn Độ vượt Pháp, có số ca nhiễm cao thứ 7 thế giới
Tại châu Á, Ấn Độ đã vượt Pháp trở thành nước có số ca nhiễm nhiều thứ 7 trên thế giới, buộc nhiều bang ở nước này phải kéo dài lệnh phong tỏa. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 7.761 trường hợp mắc COVID-19. Tính tới nay, Ấn Độ xác định tổng cộng 198.370 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 5.608 ca tử vong. Trước tình hình này, nhiều bang đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 15-6, thậm chí là 30-6.
Người lao động nhập cư chờ lên xe buýt tại Bangalore, Ấn Độ ngày 23-5-2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN
Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ khá cao, song số ca tử vong so với những nước có số ca mắc COVID-19 tương tự lại khá thấp. Chính phủ Ấn Độ cho rằng điều này là nhờ các biện pháp phong tỏa giúp kiềm chế số ca mắc theo cấp số nhân, và các bệnh viện vẫn còn đủ chỗ để chữa trị. Tuy nhiên, hiện vẫn còn lo ngại nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Delhi và Mumbai, hệ thống y tế sẽ trở nên quá tải.
Thủ tướng Israel cảnh báo nguy cơ phong tỏa lần nữa
Phát biểu tại phiên họp nội các ngày 31-5-2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đang cân nhắc có thể áp đặt trở lại lệnh phong tỏa đất nước lần nữa trong bối cảnh tình trạng lây lan của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng vẫn đang diễn ra. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein cho biết kết quả xét nghiệm ngày 30-5 cho thấy số ca xác định dương tính virus SARS-CoV-2 đã tăng gấp 5 lần, từ 0,5% lên 2,5%.
Iran: Số ca nhiễm mới cao nhất trong 2 tháng
Ngày 1-6, Iran thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.979 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là mức tăng số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất trong hai tháng qua tại nước CH Hồi giáo này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Iran ghi nhận tổng cộng 154.445 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.878 ca tử vong sau khi có thêm 81 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cảnh báo nước này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng hơn nếu người dân không tuân thủ các hướng dẫn và các quy định về giãn cách xã hội.
Thủ đô UAE ban hành lệnh phong tỏa thành phố
Thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã quyết định ban hành lệnh phong tỏa trong vòng 1 tuần tại các thành phố chính, cấm mọi hoạt động đi lại giữa các thành phố này. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày 2-6-2020. Thông báo của chính quyền Abu Dhabi nêu rõ các biện pháp giới hạn được áp dụng nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Nhật Bản đón khách du lịch trở lại
Ngày 1-6, nhiều điểm du lịch của Nhật Bản đã bắt đầu mở cửa trở lại, một tuần sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sau 3 tháng đóng cửa, tòa nhà Tokyo Skytree cao 634 mét ở thủ đô Tokyo đã bắt đầu đón khách, nhưng rút ngắn thời gian tới thăm. Tại miền Tây Nhật Bản, đền Todaiji ở Nara nổi tiếng với bức tượng Phật cao 15m, đã mở lại. Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima cũng tiến hành kiểm tra nhiệt độ ở lối vào và thực hiện giãn cách xã hội với du khách.
Cùng ngày, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản cho biết sẽ mở lại khu vườn phía Đông của Hoàng cung Tokyo từ ngày 2-6, sau hai tháng đóng cửa. Số khách tới thăm sẽ giới hạn ở mức 50 người vào mỗi buổi sáng và buổi tối.
Triều Tiên mở cửa lại trường học trong tháng 6
Theo Đài phát thanh nhà nước Triều Tiên, học kỳ mới sẽ bắt đầu tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc từ đầu tháng 6, trong khi các biện pháp phòng dịch đã được ban hành để mở lại các trường mầm non và nhà trẻ.
Cho đến nay, Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào nhưng đã áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm đóng cửa biên giới và cho cách ly hàng nghìn người dân.
Trong ngày 1-6, Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 35 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV2 tại nước này tăng lên 11.503 ca; số ca tử vong tăng thêm 1, lên 271 trường hợp. Trong bối cảnh thời tiết vào Hè, các bãi tắm biển dần mở cửa, ngày 1-6, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố hướng dẫn phòng dịch COVID-19 và phổ biến cụ thể đến 267 khu tắm biển trên toàn quốc. Theo đó, tại tất cả các khu tắm biển, khoảng cách giữa các phông bạt, ô dù che nắng trên bãi cát phải đảm bảo 2m. Khách tắm biển phải tuân thủ đeo khẩu trang, trừ những lúc vui chơi dưới nước.
Đông Nam Á tiếp tục các giai đoạn nới lỏng phong toả
Người dân đeo khẩu trang, tấm chắn bảo vệ và thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 29-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Đông Nam Á, tổng số người mắc COVID-19 đã lên tới 92.674 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.804 ca tử vong, tăng 31 trường hợp so với một ngày trước đó.
Thái Lan bước vào giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phong tỏa và các bãi biển đã đón khách trở lại. Thêm nhiều loại hình kinh doanh và dịch vụ như vườn thú, rạp hát, phòng tập… được phép mở cửa trở lại, lệnh giới nghiêm cũng được rút ngắn 1 tiếng, chỉ còn từ 23h đêm hôm trước đến 3h sáng ngày hôm sau. Trong ngày 1-6, Thái Lan chỉ ghi nhận một trường hợp từ nước ngoài về mắc COVID-19 và không có ca tử vong mới. Đây là ngày thứ 7 quốc gia Đông Nam Á này không phát hiện trường hợp mắc COVID-19 nào trong cộng đồng. Tính đến ngày 1-6, Thái Lan đã xác nhận 3.082 ca mắc bệnh và 57 ca tử vong.
Các phương tiện lưu thông trên đường phố ở Manila, Philippines ngày 1-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ đô Manila của Philippines cũng mở cửa trở lại sau gần 3 tháng áp dụng phong tỏa. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, nhà hàng vẫn phải đóng cửa. Hiện cả trẻ em và người lớn tuổi ở Philippines vẫn phải ở nhà trừ khi cần ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Theo Bộ Y tế Philippines, trong ngày 1-6, nước này đã ghi nhận thêm 3 ca tử vong và 552 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 18.638 ca và 960 ca tử vong.
Indonesia tiếp tục ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới, cụ thể là 467 ca, và 28 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 26.940 ca và 1.641 ca.
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)