Diễn biến dịch COVID-19 tại những điểm nóng nhất thế giới

25/03/2020 - 13:57

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới đang diễn biến ngày càng nhanh theo chiều hướng xấu khi số ca mắc bệnh đã vượt mốc 400.000 với gần 19.000 người thiệt mạng (tính tới sáng 25-3). Chính phủ các nước đang tăng tốc đối phó với dịch bệnh bằng mọi biện pháp.

Số ca tử vong ở Italy nhiều gấp đôi Trung Quốc  

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 17-3. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính tới sáng 25-3, số ca tử vong vì COVID-19 ở Italy là trên 6.820, gấp đôi số ca tử vong ở Trung Quốc (3.277). Số người nhiễm virus ở Italy đã lên tới gần 70.000. Với con số trên, Italy hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất thế giới. Tới nay, ngày mà Italy có nhiều ca tử vong nhất là ngày 20-3 với 793 ca.

Tính tới ngày 25-3, số ca nhiễm mới tiếp tục giảm liên tiếp ba ngày, làm dấy lên hy vọng của giới chức Italy trong khống chế dịch. Dù vậy, họ vẫn rất thận trọng, sợ rằng còn quá sớm nên chưa thể biết nước này đã qua đỉnh dịch hay chưa. 

Italy đang hồi hợp chờ số liệu ca nhiễm và tử vong mới từng ngày giảm xuống sau khi đã phong tỏa toàn quốc tuần thứ ba liên tiếp và hệ thống y tế căng hết sức để đối phó với dịch bệnh nghiêm trọng. Giới chức y tế Italy cho rằng còn phải mất vài ngày nữa mới biết liệu Italy có đang ở giai đoạn bắt đầu xu hướng tích cực hay không.

Chính phủ Italy đã ban hành sắc lệnh có hiệu lực từ 10/3, theo đó cấm người dân rời khỏi nhà trừ khi phải đi làm, mua đồ ăn hoặc đồ dùng cần thiết, tập thể dục, chăm sóc người thân cao tuổi… Ở vùng Lombardy - nơi dịch bệnh bùng phát, biện pháp hạn chế còn nghiêm ngặt hơn.

Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, sau khi Chính phủ Italy công bố bổ sung các biện pháp thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế Italy ngày 22/3 cũng đã ban hành quy định liên bộ nghiêm cấm các phương tiện di chuyển từ xã này sang xã khác, bao gồm cả các xe công vụ, trên phạm vi cả nước.

Mỹ thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới

Cảnh ảm đạm do dịch COVID-19 tại Đại lộ 5 ở New York, Mỹ ngày 23-3. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ là ổ dịch COVID-19 "nóng" thứ hai thế giới vào thời điểm này, chỉ sau Italy. Tính tới sáng 25-3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ là trên 54.800, trong đó có 775 ca tử vong. 

Đáng lưu ý, Mỹ ngày 24-3 đã xác nhận trường hợp trẻ em đầu tiên tử vong do COVID-19 tại thành phố Los Angeles dù bệnh nhân trước đó có tình trạng sức khỏe tốt. Đây là ca tử vong ở trẻ em đầu tiên do virus SARS-CoV-2 tại Mỹ và là ca tử vong thứ ba trên thế giới ở độ tuổi này.

Mới đầu tháng 3, Mỹ chỉ ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm SARS-CoV-2 và tình hình leo thang nhanh từ đó. Các quan chức liên bang và tiểu bang cảnh báo virus lây lan nhanh sẽ khiến hệ thống y tế Mỹ gặp nhiều thách thức. Các quan chức Mỹ thừa nhận con số ca nhiễm virus thực tế ở nước này có thể cao hơn nhiều. Mỹ chậm trễ trong xét nghiệm nên số lượng người tiếp cận dịch vụ này còn hạn chế.

Theo kênh CNBC (Mỹ), New York là nơi có số ca nhiễm virus nhiều nhất Mỹ, chiếm gần một nửa số ca của cả nước. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo cho biết cần có thêm hàng chục nghìn giường bệnh và máy thở nữa cho các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện. Ngày 24-3, ông cũng cảnh báo các bang khác cần chuẩn bị sẵn sàng khi tình hình ở New York sẽ xảy ra ở California, Washington…

Trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng, một số người New York vẫn phớt lờ khuyến cáo ở nhà và giữ khoảng cách với người khác. Họ vẫn tụ tập đông người trong công viên. Thống đốc Cuomo tỏ ra sốc và tức giận trước tình trạng này, gọi đó là hành vi thiếu nhạy cảm, ngạo mạn, tự hủy hoại cần phải chấm dứt. Ông cảnh báo: “Đây không phải trò đùa và tôi không đùa”.

Iran – Nước nhiều ca nhiễm và tử vong nhất châu Á

Lính cứu hỏa Iran phun thuốc khử trùng ở thủ đô Tehran ngày 13-3. Ảnh: AFP/TTXVN

Tới nay, Iran là quốc gia châu Á có số ca nhiễm virus và tử vong nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc. Tính tới sáng 25-3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Iran là trên 24.800, trong đó có 1.934 ca tử vong. Bộ Y tế Iran cho biết cứ 12 phút lại có một người tử vong ở nước này vì COVID-19.

Theo hãng thông tấn Anadola của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Masoud Mardani ở Đại học Khoa học Y khoa Shahid Beheshti (Iran) và là thành viên Hội đồng Khoa học Virus Corona Iran cảnh báo: Nếu giới chức Iran không cấm đi lại vào Tết Ba Tư Nowruz để kiềm chế dịch thì sẽ xảy ra thảm họa. Theo ông Mardani, virus lây lan ở Iran còn nhanh hơn ở Trung Quốc và đại dịch đã lan từ thành phố Qom tới các thành phố khác vì Qom không được cách ly kịp thời.

Ông Mardani cho biết con số nhiễm bệnh và tử vong có thể cao hơn vì số liệu chính thức chỉ thống kê các ca ghi nhận trong bệnh viện. Ông cáo buộc lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran đã tác động tiêu cực tới cuộc chiến chống đại dịch ở Iran. 

Trong khi đó, truyền thông Iran dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Bộ binh thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Mohammad Pakpour thông báo IRGC sẽ tăng cường triển khai khử trùng trên toàn quốc, đồng thời sẵn sàng cho các đợt diễn tập phòng vệ sinh học. 3.000 địa điểm trên toàn quốc và 100 điểm tại thủ đô Tehran sẽ được khử trùng. 

Iran thông báo đã sàng lọc trên 41 triệu người dân để phát hiện sớm các triệu chứng nhiễm virus. Giới chức y tế Iran khẳng định có đủ giường bệnh cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 và từ chối sự giúp đỡ của tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) có trụ sở tại Pháp nhằm đối phó với dịch COVID-19. 

Virus xuất hiện tại toàn bộ ASEAN 

Người dân đeo khẩu trang tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 23-3. Ảnh: THX/TTXVN

Lào và Myanmar là hai thành viên cuối cùng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công bố các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Số liệu sáng 25-3 cho thấy Lào có hai ca nhiễm virus và Myanmar có ba ca. Hai ca ở Lào gồm một người làm việc trong khách sạn ở Viêng Chăn và một người làm hướng dẫn viên du lịch. Còn trong ba ca ở Myanmar, có hai ca là công dân nước này trở về từ Mỹ và Anh.

Tính tới sáng 25-3, ASEAN có trên 4.500 ca nhiễm virus và 112 người tử vong. Trong đó, Malaysia có số ca nhiễm nhiều nhất với 1.624 ca và Indonesia có số người chết cao nhất với 55 trường hợp. Do xảy ra nhiều diễn biến nhanh, các nước ASEAN đã tăng cường biện pháp phòng chống COVID-19. 

Mới đây nhất, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thông báo sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra những biện pháp mới để đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ ngày 26-3. Tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực tới ngày 30-4. Thái Lan ngày 24-3 ghi nhận thêm 106 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 827 người. Đây là mức tăng ba con số trong ngày thứ ba liên tiếp. Ngoài ra, Thái Lan có thêm 3 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 4 người. 

Tại Indonesia, Ủy ban số 10 thuộc Hạ viện Indonesia đã quyết định hoãn kỳ thi quốc gia năm 2020, Quốc hội cũng như chính phủ đang xem xét thay thế bằng hình thức khác. Số ca mắc COVID-19 ở Indonesia tăng gấp ba lần chỉ trong vòng một tuần qua, từ mức 172 trường hợp ngày 17-3 lên 686 trường hợp ngày 24-3, trong đó có 55 ca tử vong. Đại dịch cũng đã lan đến ít nhất 22 trong số 34 tỉnh thành của quốc gia này. 

Singapore ngày 24-3 tuyên bố sẽ đóng cửa các quán bar, rạp chiếu phim và khu vui chơi giải trí để ngăn chặn dịch COVID-19. Quy định trên sẽ có hiệu lực từ 23 giờ 59 phút đêm 26/3 (giờ địa phương) và kéo dài đến ít nhất ngày 30-4 tới. Bên cạnh đó, Singapore cũng cấm mọi hoạt động tụ tập trên 10 người, ngoại trừ nơi làm việc và trường học. Các trung tâm thương mại, bảo tàng và nhà hàng vẫn được phép mở cửa, nhưng phải giảm công suất hoạt động.

Bang Sarawak của Malaysia đã bắt đầu áp dụng lệnh giới nghiêm từ ngày 24-3 cho đến hết tháng này. Lệnh giới nghiêm chỉ miễn trừ các đối tượng là các nhân viên công vụ và giới báo chí. 

Theo Báo Tin Tức