Diễn biến lũ năm nay ra sao?

16/09/2021 - 05:03

 - Rất khó kỳ vọng lũ lớn, khi mà đỉnh lũ vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu chỉ cao hơn đôi chút so mức báo động 1. Tuy nhiên, cần đề phòng nguy cơ ngập úng khi xuất hiện các đợt triều cường kết hợp lũ thượng nguồn và mưa lớn nội vùng.

Mực nước còn thấp

Dân đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp thường có câu: “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”, ý nói vào tháng 7 (âm lịch), nước lũ bắt đầu về, tràn qua bờ đê vào đồng ruộng. Tuy nhiên, giờ đã sang tháng 8 (âm lịch), con nước vẫn lững lờ dưới sông. “Cuối tháng 6 (âm lịch), thấy nước đỏ quạch phù sa, chúng tôi kỳ vọng năm nay lũ lớn. Tuy nhiên đến giờ, nước vẫn lên rất chậm. Kiểu này chắc con nước không lớn hơn năm rồi bao nhiêu” - ông Nguyễn Văn Ổi (ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú) bộc bạch.

Nhận xét của lão nông này là có cơ sở, bởi theo ghi nhận của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, 10 ngày đầu tháng 9-2021, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong lên chậm. Đến sáng 11-9, mực nước tại Kratie (Campuchia) dù cao hơn 3,37m so với cùng kỳ 2020, nhưng vẫn thấp hơn 3,91m so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tương tự, các trạm từ dưới Kratie mực nước ở mức cao hơn cùng kỳ 2020 từ 0,75-2,45m nhưng thấp hơn so với TBNN từ 1,85-4,3m.

Lũ năm nay dự báo thấp hơn trung bình nhiều năm

Khu vực tỉnh An Giang, mực nước trên sông, kênh dao động chủ yếu theo xu thế triều và lượng nước thượng nguồn sông Mekong. Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) chịu ảnh hưởng của lượng mưa nội vùng và quy trình vận hành công trình thủy lợi trong vùng. Mực nước cao nhất tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông tại Chợ Mới, Long Xuyên, Vàm Nao hiện chỉ ở mức xấp xỉ cùng kỳ 2020, trong khi mực nước thấp nhất ở mức thấp hơn từ 0,05-0,3m. Đối với khu vực nội đồng TGLX, mực nước cao nhất tại các trạm cũng chỉ cao hơn cùng kỳ 2020 từ 0,05-0,2m, còn mực nước thấp nhất xấp xỉ cùng kỳ.

Từ giữa tháng 9, trên lưu vực sông Mekong có mưa nhiều hơn và mực nước tại các trạm dọc sông Mekong đang có xu hướng tăng dần. Mực nước trên sông, kênh trên phạm vi tỉnh An Giang vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Những ngày tới, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Khánh An, Tân Châu, Châu Đốc và vùng hạ lưu sông tại Long Xuyên, Chợ Mới, Vàm Nao, mực nước cao nhất có thể cao hơn cùng kỳ 2020 từ 0,1-0,5m; mực nước thấp nhất cao hơn từ 0,5-1,05m. Trên sông Hậu tại Long Xuyên, mực nước cao nhất có khả năng ở mức trên báo động 1 (BĐ1) từ 0,05-0,15m. Từ nay đến cuối tháng 9, mực nước tại các trạm khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông tiếp tục lên theo triều; khu vực nội đồng TGLX, mực nước lên chậm.

Đỉnh lũ có thể cao hơn mức báo động 1

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, dự báo từ nay đến hết năm 2021, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông khoảng 7-9 cơn, trong đó khoảng 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Đối với khu vực tỉnh An Giang, ít có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, cần đề phòng cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh kết hợp với hoàn lưu các cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trong các tháng còn lại của mùa mưa năm 2021.

Trong tháng 9, 10-2021, khu vực tỉnh An Giang có mưa xuất hiện nhiều hơn, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 5-15%. Mùa mưa năm 2021 kết thúc muộn, rơi vào khoảng tuần giữa đến cuối tháng 11. Tuy nhiên, trong tháng 12, khả năng vẫn có mưa trái mùa xảy ra. Tổng lượng mưa trong tháng 12-2021 và 2 tháng đầu năm 2022 phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-20%. “Cần đề phòng xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: giông, sét, lốc, đặc biệt là sau các đợt giảm mưa và ngập lụt, úng trong các đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ, nhất là trong những tháng cao điểm mùa mưa (từ tháng 9 đến 10-2021)” - ông Ninh lưu ý.

Lũ nhỏ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân

Từ nửa cuối tháng 8, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong gia tăng trở lại. Đối với khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ năm 2021 trên sông Hậu tại Khánh An, Châu Đốc và trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức cao hơn BĐ1 từ 0,1-0,3m (BĐ1 tại Khánh An 4,2m, Châu Đốc 3m, Tân Châu 3,5m). Thời gian xuất hiện vào nửa đầu tháng 10. Đối với khu vực nội đồng TGLX, đỉnh lũ năm có khả năng ở mức cao hơn BĐ1 từ 0,1-0,3m (BĐ1 tại Xuân Tô 3m, Vĩnh Gia 2m, Tri Tôn 2m, Cô Tô 1,4m,  Lò Gạch 1,7m, Vọng Thê 1,4m,  Vĩnh  Hanh  1,9m,  Núi  Sập 1,4m). Thời gian xuất hiện vào nửa đầu tháng 10-2021.

Đối với vùng hạ lưu sông, trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao và trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới, đỉnh lũ năm có khả năng ở mức thấp hơn BĐ3 từ 0,15-0,25m (BĐ3 tại Vàm Nao 3,3m, Chợ Mới 3m); trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức cao hơn BĐ3 từ 0,1-0,2m (BĐ3 tại Long Xuyên 2,5m). Thời gian xuất hiện vào đầu tháng 10-2021. “Nguy cơ xảy ra ngập lụt, úng tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt là khu vực đô thị tại TP. Long Xuyên trong các đợt triều cường kết hợp lũ thượng nguồn và mưa lớn nội vùng” - ông Ninh cảnh báo.

Cũng theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, trong mùa khô 2021-2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn TBNN từ 10-15%. Xâm nhập mặn ở vùng cửa sông khu vực dọc biển Tây (từ Rạch Giá-Hà Tiên) thuộc tỉnh Kiên Giang có khả năng đến sớm và cao hơn TBNN nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Các địa phương cần sớm có kế hoạch, chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022.

Năm 2020, đỉnh lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long xuất hiện vào ngày 19, 20-10, ở mức thấp hơn BĐ1 từ 0,25-0,63m. Năm 2021, dù dự báo lũ vẫn thấp nhưng đỉnh lũ cao hơn từ 0,1-0,3m so mức BĐ1, “cải thiện” so với lũ 2020

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN