Điển hình trong phong trào thi đua ngành giáo dục

22/07/2020 - 04:26

 - Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa công tác thi đua trở thành phong trào lớn, thu hút sự tham gia của các trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong đó việc dạy tốt - học tốt là mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ hàng đầu được ngành chú trọng.

Biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015-2020

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm, phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học là một trong những phong trào nổi bật nhằm hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Thời gian qua, phong trào đã được triển khai sâu rộng đến tận các cơ sở giáo dục, khơi dậy tự ý thức phấn đấu rèn luyện trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh toàn ngành.

Các cơ sở giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động chuyên môn rất thiết thực, hiệu quả, như: hội thảo chuyên đề, thao giảng, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng… Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy, hy sinh, cống hiến hết lòng, hết sức vì học sinh thân yêu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

5 năm qua, chất lượng giáo dục tiếp tục được củng cố vững chắc, nhiều em học sinh là tấm gương sáng tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, đạt kết quả cao trong các kỳ thi, hội thi cấp tỉnh, toàn quốc… Còn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, đảm bảo phẩm chất năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Tổng kết công tác thi đua trong ngành GD&ĐT (giai đoạn 2015-2020), toàn tỉnh An Giang có 34 tập thể, 49 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương khen thưởng. Ngoài ra, Công đoàn ngành giáo dục còn biểu dương 1 tập thể, 4 cá nhân đạt thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua. Đằng sau những danh hiệu, mỗi tập thể, cá nhân là một câu chuyện về nỗ lực vượt khó, mà nếu không có lòng yêu nghề sẽ khó vượt qua được.

Câu chuyện của thầy Nguyễn Quang Minh (giáo viên môn Văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang) là dẫn chứng sinh động. Bắt đầu công tác năm 1993, điều thầy lo ngại nhất là tìm biện pháp dạy phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. Thời gian đầu, thấy học sinh chậm tiến bộ, đôi lúc thầy chán nản, dự định tạm dừng lại. Kỳ nghỉ hè, thu xếp đồ đạc về nhà, không ngờ nhóm học sinh lớp 9 gần 20 em đạp xe lặn lội từ huyện Tri Tôn ra huyện Châu Phú tìm tận nhà thăm thầy và nhờ ôn tập chuẩn bị thi chuyển cấp lên lớp 10.

Nhìn những gương mặt nhễ nhại mồ hôi, mường tượng lại đoạn đường 25km, có những em ở tận xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên), xã Ô Lâm (Tri Tôn) cách hơn 40km... khiến thầy xúc động. Cảm nhận tấm lòng thành và cả niềm tin các em đặt nơi mình, thầy quyết định quay trở lại. Năm đó các em đậu vào lớp 10 đạt 100%, trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ giúp thầy thêm tâm huyết với nhiệm vụ, gắn bó nghiệp “gõ đầu trẻ” đến nay hơn 27 năm.

Những năm đầu công tác, cô Đỗ Kim Luyến (Trường Tiểu học “B” thị trấn Tri Tôn) cũng gặp khó khăn tương tự, phải chuyển lớp, chuyển trường. Cô cho biết, rào cản về ngôn ngữ, sinh hoạt tập quán, khả năng tiếp thu của các em… thật sự là nỗi vất vả với một giáo viên mới ra trường, nhất là học sinh lớp 1.

Càng sợ thì “cái duyên” phải đảm nhận dạy lớp 1 càng lặp lại, cô quyết tâm cải thiện tình hình, từ học hỏi bạn bè, đến chủ động lên mạng, đọc sách báo nghiên cứu phương pháp phù hợp, làm sao khắc phục tình trạng học sinh ở lại lớp và những em lên lớp phải đạt chất lượng thật sự.

Sau nhiều năm bỏ công sức, cô thành công trong nhiệm vụ, đồng thời đúc kết kinh nghiệm viết nhiều sáng kiến dạy môn Toán, kỹ năng viết đúng và đẹp, học môn “học vần”… góp phần giáo dục hiệu quả học sinh lớp 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá, phong trào thi đua của ngành GD&ĐT trong 5 năm qua đã được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục và rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, có bước phát triển rõ nét cả về chiều rộng và chiều sâu, bám sát nhiệm vụ của ngành, các sự kiện chính trị trọng đại diễn ra trong năm.

“Trọng tâm là thi đua dạy tốt - học tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Bên cạnh đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được triển khai có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành. Nhiều tập thể và cá nhân đã được nhà nước phong tặng các danh hiệu, huân chương lao động, cờ thi đua, bằng khen… Tôi tin rằng, những tấm gương cao đẹp, những ngọn đuốc sáng sẽ tiếp tục soi đường cho các thế hệ trẻ tiếp bước trên đường chinh phục tri thức” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.

MỸ HẠNH