Điều gì giúp ngành tôm tăng trưởng bất ngờ, tới 15%, gấp 5 lần so với cùng kỳ?

23/12/2020 - 08:52

Lực lượng lao động chuyển dịch từ các ngành nghề khác do tác động từ dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho ngành thủy sản tuyển dụng. Nhưng lợi thế này khó giúp ngành tôm duy trì lợi thế dài lâu.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch công ty CP chế biến thực phẩm Sao Ta (FimexVN) cho biết như thế tại phiên đại hội toàn thể hội viên lần 6 Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tại TP.HCM ngày 22-12.

Đại hội toàn thể hội viên lần 6 Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Theo ông Lực, ngành tôm trong năm 2020 có sự tăng trưởng vượt bật, tăng 15% so cùng kỳ, trong khi các năm trước chỉ tăng 2-3%. Tốc độ tăng trưởng này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự năng động nhiều thành phần, nhiều mắt xích trong chuỗi ngành tôm.

Tuy nhiên để có nguồn nguyên liệu tôm xuất khẩu đem lại kim ngạch tăng là nhờ tăng năng suất lao động hay tăng số lượng lao động? Ông Lực cho rằng năng suất lao động trong ngành vẫn còn thấp. Yếu tố tăng trưởng chủ yếu nhờ việc tăng số lượng lao động. Bản thân FimexVN cũng tăng 20% lao động trong năm qua.

Theo ông Lực, làm việc trong ngành thủy sản vốn vất vả, cực nhọc. Ngành thủy sản cũng thường xuyên đối diện tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhiều năm qua.

Xuất khẩu tôm đạt tốc độ tăng trưởng năm 2020

Tác động từ dịch Covid-19 khiến nhiều ngành hàng sa sút, lực lượng lao động thất nghiệp đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản tuyển dụng để chế biến nguyên liệu.

Hiện đã có vacine Covid-19 nhưng ông Lực cho rằng vacine còn lâu mới lan tỏa ra toàn thế giới. Vài năm nữa tình hình mới ổn định trở lại, và các đối thủ cũng chưa thể sớm phục hồi. Đây là cơ hội để ngành tôm Việt bứt phá.

Việt Nam đang khống chế khá tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sau Covid-19, hiện trạng lao động trong ngành có tiếp tục đáp ứng được nhu cầu như hiện nay hay không là vấn đề các doanh nghiệp cần lưu ý.

Ngành thủy sản cũng thường xuyên đối diện tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng

Từ những phân tích này, ông Lực cho rằng, khâu thị trường và nguyên liệu hiện đang có điểm dương nhưng lực lượng lao động vẫn là điểm trừ của ngành. "Lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế. Yêu cầu tận dụng các yếu tố công nghệ cần được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn", ông Lực nói.

Theo Vasep, mặc dù Việt Nam là nhà cung cấp tôm đứng thứ 3 trên thế giới nhưng luôn gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước có nguồn cung tôm lớn như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan.

Hiện nay công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển tương đối vượt bậc, các nước Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm.

Tôm là mặt hàng chủ lực, hàng năm đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản

Tôm là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hàng năm đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Tuy nhiên, đến nay các vùng nuôi tôm vẫn chưa được quản lý có hệ thống và đồng bộ. Trong đó, tình trạng thiếu lao động và khó khăn về nguồn nhân lực là vấn đề nội tại lâu nay của ngành.

Giai đoạn 2015–2020, trải qua nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tăng từ 6,6 tỷ USD lên mức đỉnh trên 8,8 tỷ USD năm 2018. Sau đó giảm nhẹ trong 2 năm 2019 và 2020.

Ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt trên 8,58 tỷ USD, tương đương với năm 2019. So với năm 2015, xuất khẩu tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng 30,4%.

Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10%, đạt trên 9,4 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất: tăng 15% đạt 4,4 tỷ USD.

Theo Dân Việt