Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ

10/05/2024 - 06:28

 - Chính sách tiền tệ đóng vai trò rất lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Chính sách tiền tệ tốt sẽ cung ứng kịp thời nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh (SXKD), hạn chế “tín dụng đen”, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Các thành phần kinh tế cần được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để sản xuất - kinh doanh

Theo Chính phủ, năm 2023, đất nước đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng tiền Việt Nam cơ bản ổn định, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách trong tầm kiểm soát... Đầu năm 2024, tín hiệu tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang phục hồi. Những thành quả này đến từ nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp (DN).

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Do vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn. Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, với phương châm “5 tăng”, gồm: Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới; tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, DN và năng lực quản trị, điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống “tín dụng đen”; tăng cường giám sát, kiểm tra, phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, thực hiện “5 giảm”, gồm: Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, “sân sau”... Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện “5 tăng tốc, bứt phá”, gồm: Tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; tăng tốc, bứt phá về phục vụ SXKD, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Quan điểm chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Chính phủ là: Bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; không chủ quan, kiên trì, kiên định, kiên quyết thực hiện được các mục tiêu chiến lược đề ra; không ngừng đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng “xoay chuyển tình thế”, “chuyển đổi trạng thái”; giữ vững đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai tích cực giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó, tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để DN, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp yêu cầu sử dụng vốn tín dụng.

Ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai chương trình, đề án, chính sách tín dụng, như: Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; Chương trình tín dụng góp phần thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (theo Quyết định 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ để góp phần thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố tích cực, chủ động triển khai hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - DN bằng hình thức phù hợp; chỉ đạo triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo kịp thời hỗ trợ DN và người vay vốn gặp khó khăn, không để trục lợi, làm sai quy định và sai lệch bản chất, nợ xấu. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, DN theo quan điểm “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

UBND cấp tỉnh được yêu cầu phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng, người dân, DN trong hoạt động ngân hàng, nhất là hoạt động tín dụng và các dịch vụ thanh toán. Trong đó, ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động phục vụ SXKD, hỗ trợ người dân, DN dưới các hình thức phù hợp; tập trung ngăn chặn “tín dụng đen”…

Việc triển khai chính sách tiền tệ bao phủ toàn xã hội, tạo thuận lợi và công bằng trong tiếp cận vốn phát triển SXKD, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN là một trong những nội dung rất quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xóa bỏ luận điệu “nhất bên trọng, nhất bên khinh trong đối xử với các thành phần kinh tế” của thế lực thù địch.

N.H