
Dinh Đá Nổi nằm giữa đồng
Lưu dấu người khai hoang
Cuối tuần, tôi có dịp ngang qua kênh Mặc Cần Dưng đến cầu số 10, rồi rẽ phải dọc kênh chữ S chạy dọc theo những cánh đồng rộng mênh mông. Mùa này, từng thửa mạ non nhuộm xanh cả cánh đồng, tạo nên bức tranh quê trù phú. Chạy dọc theo dòng kênh khoảng 5km là đến cổng dinh Đá Nổi. Chạy qua cây cầu đúc dài hơn 100m bắc từ bờ kênh vào khu gò đất cao, quang cảnh trông rất thanh tịnh. Ngồi dưới bóng cây sao cổ thụ nghỉ mát, ông Nguyễn Văn Tuấn (Trưởng ban Quý tế dinh Đá Nổi) cùng bà con kể chuyện làm công quả hàng ngày ở đây.
Nhắc đến huyền tích dinh Đá Nổi, ông Tuấn nói rằng, cách đây khoảng 100 năm, ông Nguyễn Văn Ảnh (Út Ảnh) cùng vợ là bà Đỗ Thị Anh đến vùng đất này khai khẩn trồng lúa mùa, nuôi trâu. Hồi đó, vùng này còn hoang vu, người dân phải thức khuya dậy sớm. Khi mặt trời sắp lặn, bà con nhanh chân về, vì cánh đồng cách nhà rất xa. Để tiện cho việc chăm sóc ruộng đồng, hàng ngày vợ chồng ông Út Ảnh gánh đất đắp thành gò cao, dựng trại để ở. Nơi đồng hoang, tìm nguồn nước uống rất khó khăn, vợ chồng ông hì hục đào giếng lấy nước sinh hoạt.
Trong lúc đào giếng, họ phát hiện dưới lòng đất có nhiều chén, tô, dĩa bằng sành nằm ngổn ngang, hầu hết không nguyên vẹn. Tiếp tục đào sâu, họ phát hiện một số cây cột to. Ông Út Ảnh cho rằng, đây là khu vực hậu cần có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa do Quản Cơ Trần Văn Thành lãnh đạo chống Pháp. Do đó, ông dựng tạm ngôi nhà nhỏ để thờ cúng dân gian. Ngày nay, trước sân dinh Đá Nổi còn hiện hữu cái ao nước khoảng 200m2, vài cây sen mọc lưa thưa, tích nước quanh năm. Theo người dân, ao nước này không bao giờ cạn hay bị nhiễm phèn.
Dù không còn sử dụng nước ở ao, nhưng bà con vẫn gìn giữ, nhắc nhớ thế hệ sau ghi ân tiền nhân đi chinh phục thiên nhiên, mở đất. Bận đó, nông dân khu vực vùng trong canh tác trúng mùa, có của ăn của để. Họ rủ nhau góp công, góp của sửa sang ngôi nhà rộng rãi thờ Quản Cơ Trần Văn Thành. Tuy nhiên, sau lần sửa chữa, ngôi nhà chỉ rộng khoảng... 2m2, bố trí 3 bàn thờ nhỏ, gồm: Thờ Tam Bảo, thờ Quản Cơ Trần Văn Thành và thờ cửu huyền. Rồi người dân bàn bạc nhau, hàng năm lấy ngày 21 - 22/2 âm lịch làm ngày cúng cơm ông Trần Văn Thành. Họ chưa nghĩ ra được cái tên đặt cho ngôi nhà thờ này là gì.

Hòn đá nổi được người dân xây cất bảo quản
Chuyện hòn đá “thiêng” giữa đồng
Khoảng năm 1930, anh của bà Đỗ Thị Anh (ông Đỗ Văn Cầm) phát hiện cục đá ở nơi đất trống nổi lên gần ngôi nhà thờ Quản Cơ Trần Văn Thành. Sau đó, ông báo cho người dân địa phương biết tin kỳ lạ này. Năm 1936, bà con trong vùng đến cất lại ngôi nhà thờ Quản Cơ bằng tre lá, đặt tên là dinh Đá Nổi. Hiện nay, dinh Đá Nổi được xây dựng khang trang, rộng rãi trên gò đất cao ráo. Hàng ngày, dinh được người dân trông coi hương khói rất cẩn thận.
Qua cây cầu ván nhỏ, lần theo con mương, chạy khoảng 300m, chúng tôi hỏi nông dân đang canh lúa về cục đá nổi, được họ chỉ dẫn nhiệt tình. Bước vào sâu trong ruộng lúa, chúng tôi thấy mái che nhỏ. Ở dưới trũng là hòn đá tròn vo, trông rất kỳ bí, được bảo quản cẩn thận. Thật lạ, giữa cánh đồng bát ngát lại có một hòn đá nổi lên, với bề hoành khoảng 1m. Nông dân ở đây cho biết, xa xưa, đã thử dùng sức người xeo nạy, nhưng bất thành. Từ đó, bà con cho xây, cất trại bảo quản tới ngày nay.
Xung quanh hòn đá mang nhiều câu chuyện huyễn hoặc. Không biết tin đồn linh thiêng xuất phát từ đâu, có người mê tín đến khấn vái, xin tài lộc đủ kiểu. Để rồi từ hòn đá vô tri, được người ta “thần thánh hóa” thành vật thiêng. Hôm đứng ngắm nghía hòn đá, chúng tôi thấy một vài người đến đây khấn vái. Thấy chúng tôi giơ máy lên chụp ảnh, họ nhốn nháo né tránh, vì sợ đăng báo.
Hiện nay, dinh Đá Nổi được xây dựng với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, làm tăng thêm tính thẩm mỹ, nét đẹp cổ kính. Bên trong thờ 2 vị Anh hùng dân tộc Trần Văn Thành và Nguyễn Trung Trực. Bức tường trang trí nhiều tranh vẽ mang chủ đề cuộc đời, sự nghiệp Quản Cơ Trần Văn Thành từ lúc làm quan đến tầm sư học đạo Phật thầy Tây An, lãnh đạo binh Gia Nghi kháng chiến chống Pháp.
Du khách đến dinh Đá Nổi, ngoài tham quan cúng kiếng, còn được ngồi hóng mát dưới bóng cây cổ thụ, nghe kể về quá trình mở đất, chinh phục thiên nhiên, lập làng của tiền nhân. Thi thoảng, hứng cơn gió đồng thổi qua nhè nhẹ mát mẻ, làm cho tâm hồn sâu lắng hơn.
Dinh Đá Nổi có lịch sử hình thành và phát triển 100 năm. Trải qua thăng trầm lịch sử, dinh được trùng tu, sửa chữa khang trang. Đây được xem là công trình tín ngưỡng dân gian được xây dựng theo kiến trúc truyền thống Nam Bộ, gắn liền với vùng đất Láng Linh thuở nào. |
LƯU MỸ