Báo cáo từ Cục An toàn thông tin cho biết trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 37,82% so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022.
Danh sách 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam (Ảnh: Cục An toàn thông tin).
Hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Tổng cộng, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Các vụ lừa đảo trực tuyến diễn ra ngày càng phức tạp trên môi trường số. Trong đó, các trang mạng xã hội được xem là nơi mà nhiều đối tượng tìm kiếm nạn nhân và thực hiện hành vi lừa đảo.
Thời gian vừa qua, phóng viên Dân trí đã liên tục phản ánh về vấn nạn môi giới mại dâm hay tình trạng lừa đảo, dụ dỗ người dùng cài đặt ứng dụng độc hại trên mạng xã hội xuyên biên giới Facebook.
Chưa dừng lại ở đó, các nền tảng mạng xã hội khác như TikTok, Zalo hay Telegram cũng đang bị nhiều đối tượng lạm dụng để thực hiện hành vi lừa đảo có tổ chức.
Gần đây, Công an một số địa phương cũng cảnh báo về phương thức lừa đảo mới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, cuộc gọi video từ tài khoản mạng xã hội của người thân, bạn bè, đồng nghiệp có hình ảnh lẫn giọng nói giống như người thật.
Đối tượng lừa đảo sẽ giả danh, viện cớ gặp khó khăn hoặc cần tiền gấp để giải quyết công việc, đề nghị người nhận cuộc gọi video chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng. Sau khi chuyển tiền xong, nạn nhân mới phát hiện mình bị lừa.
Bộ TT&TT đề xuất xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo... (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).
Tại buổi họp do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức vào ngày 8/8, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) cho biết việc định danh tài khoản mạng xã hội qua số điện thoại là một xu thế tất yếu.
Bên cạnh đó, đại diện Cục PTTH-TTĐT cho rằng đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội, trong bối cảnh tội phạm lừa đảo trong không gian mạng có xu hướng gia tăng.
"Cần quản lý chặt các tài khoản mạng xã hội. Xuất phát từ yêu cầu quản lý và người dân, chúng tôi đề xuất phải có quy định xác thực người dùng tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng giám sát các hành vi vi phạm", bà Huyền nhấn mạnh.
Ngoài việc hạn chế các hành vi lừa đảo, xác thực bằng số điện thoại cá nhân còn góp phần giúp người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội. Từ đó hạn chế tình trạng phát ngôn bừa bãi, thông tin xấu độc, sai sự thật...
Theo Dân Trí