Định hướng phát triển trường nghề ở vùng Bảy Núi

06/12/2023 - 06:46

Nửa nhiệm 2020 - 2025, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang đã có những nỗ lực vượt bậc, đổi mới công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên và đào tạo liên kết. Đồng thời, mở rộng kết nối với doanh nghiệp (DN), mang lại cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn người lao động vùng Bảy Núi.

Theo ThS Cao Văn Thích, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang, những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của trường được các cấp ủy Đảng, chính quyền rất quan tâm. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, giáo viên, đảng viên được nâng lên, công tác tuyển sinh tăng theo từng năm. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề của trường được đầu tư cơ bản, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, thực hành của học viên, nhất là các nghề trọng điểm được đầu tư tập trung từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Với hệ giáo dục nghề nghiệp, trường đã chuyển phương thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Qua đó, đã xây dựng và ban hành chương trình đào tạo 16 nghề trình độ trung cấp, xây dựng quy chế đào tạo và mức học phí theo phương thức tín chỉ, đăng ký bổ sung 4 nghề mới (tin học ứng dụng, thương mại điện tử, cơ khí xây dựng, kế toán DN), nâng số nghề tuyển sinh đào tạo trong năm lên 16 nghề (tăng 7 nghề trung cấp, 3 nghề sơ cấp so với năm 2020).

Bên cạnh đó, trường đã xây dựng và ban hành 23 bộ giáo trình của 23 môn học mô-đun thuộc 7 nghề. Đối với trình độ sơ cấp, trường đã xây dựng bổ sung thêm 3 nghề, nâng tổng số nghề đăng ký sơ cấp lên 5 nghề, đã tổ chức làm hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Học sinh thực hành trên máy móc, thiết bị

Với hệ giáo dục thường xuyên, trường triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối lớp 10 theo đúng các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu lựa chọn tổ hợp môn học, chuyên đề học tập của học viên. Giáo viên hệ giáo dục thường xuyên thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng các mô-đun thay sách giáo khoa 2018, tham gia tập huấn sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 10 theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, trường quan tâm đến công tác tuyển sinh hàng năm. Từ năm 2021 - 2023, đối với tuyển sinh hệ giáo dục nghề nghiệp, trình độ trung cấp đã tuyển sinh 2.164 học sinh (đạt 166,5% chỉ tiêu); sơ cấp đạt 325 học viên (đạt 154,8%); dạy nghề cho lao động nông thôn đạt 1.410 học viên, với 47 lớp (đạt 100%); giáo dục thường xuyên 1.447 học sinh, với 45 lớp (khối lớp 10 - 12), tỷ lệ tốt nghiệp THPT các năm 2020, 2021, 2022 đạt từ 90,79% trở lên. 

ThS Cao Văn Thích cho biết, nửa nhiệm kỳ còn lại (2023 - 2025), Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang cố gắng giữ ổn định số lượng tuyển sinh hàng năm, trung bình 700 học sinh/năm. Trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp THCS về định hướng nghề nghiệp, tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp học nghề để học sinh có thể trải nghiệm thực tế về học nghề, hiểu rõ hơn các cơ chế, chính sách của Nhà nước về học nghề.

Cùng với đó là phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN nhằm hướng đến mục tiêu giúp giáo viên và học sinh cập nhật được kiến thức thực tế, kỹ năng mới của nghề, tạo sự gắn kết giữa công tác đào tạo của trường và nhu cầu sử dụng lao động của DN. Hàng năm, trường đặt mục tiêu đưa 15 giáo viên và 400 học sinh năm cuối các lớp trung cấp nghề đến kiến tập, thực tập tại các DN trong và ngoài tỉnh, thực hiện ký kết hợp tác trong đào tạo giữa trường và DN (phấn đấu khoảng 20 DN).

Trường sẽ tích cực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm hình thành và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nòng cốt, tổ đề án tham gia xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số của nhà trường; đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, giáo viên, người lao động và học sinh. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy và học, tạo cơ hội học tập cho học sinh.

Đồng thời, phát triển nội dung giảng dạy số, như: Chuyển đổi các tài liệu giảng dạy từ giáo trình truyền thống sang định dạng điện tử, xây dựng các bài giảng trực tuyến và bài kiểm tra trực tuyến; xây dựng các hệ thống công cụ phần mềm để quản lý quá trình giảng dạy và học tập (LMS), hoàn thành xây dựng các mô-đun môn học và các khóa đào tạo chuẩn trên hệ thống LMS của nhà trường, tăng cường sản xuất học liệu số trên nền tảng thống nhất, hướng đến 100% nghề trọng điểm cấp quốc gia được ứng dụng số trong thực tập tốt nghiệp, thực tập sản xuất và đào tạo với DN.

NGỌC GIANG