Đìu hiu chợ truyền thống

05/01/2024 - 06:16

 - Việc cắt giảm chi tiêu của người dân do tình hình kinh tế khó khăn, cùng với xu hướng mua hàng thay đổi từ mua trực tiếp sang mua trực tuyến, khiến chợ truyền thống đang mất dần sức hút, trở nên vắng khách ngay cả khi bước vào mùa mua sắm cuối năm.

Giảm mãi lực

Nhiều năm trước, bà con tiểu thương chợ truyền thống trên địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và trung tâm thương mại địa phương biên giới tranh thủ nhập hàng hóa, quần áo để bán. Mấy năm nay, sự phát triển của các kênh mua sắm trực tuyến, nhiều siêu thị tiện ích mọc lên khắp nơi… nên mãi lực ở chợ truyền thống sụt giảm đáng kể. Không còn cảnh chen chân, đứng chờ tới lượt được mua hàng, ở các ki-ốt trong khu chợ truyền thống đang đìu hiu, vắng vẻ. Rảo vòng quanh khu chợ rộng lớn, chỉ tìm thấy vài người ghé chọn lựa.

Chợ biên giới Tịnh Biên (TX. Tịnh Biên) nổi tiếng là chợ đầu mối lớn của khu vực ĐBSCL. Ở đây lúc nào cũng tấp nập mua bán, đa dạng loại hàng hóa, đông đúc vào dịp lễ hội, nhất là giai đoạn mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý chợ, trong năm 2023, lượng khách mua sắm khoảng 217.171 lượt (giảm 46,6% so cùng kỳ năm 2022). Doanh số mua bán khoảng 38,2 tỷ đồng (giảm 62,5%).

Mua bán ở chợ truyền thống ngày càng khó khăn 

Để kích cầu mua sắm, Ban Quản lý chợ phối hợp ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động đảm bảo an ninh trật tự; thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ, nhằm tạo lòng tin, ấn tượng cho khách mua sắm. “Kinh tế khó khăn, trong khi thương mại điện tử hỗ trợ bán hàng online phát triển mạnh, cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi... là nguyên nhân làm cho tình trạng mua bán ế ẩm ở chợ truyền thống ngày càng tăng” - một tiểu thương chợ Tịnh Biên cho biết.

Thấy có khách ghé ki-ốt, chị Quyên (tiểu thương bán quần áo may sẵn, vải sợi ở chợ Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) đon đả chào hàng. “Năm nay, tình hình khó khăn quá. Hàng hóa bán rất chậm, nhất là quần áo may sẵn, vải sợi. Mặt bằng, điện, nước, chi phí… đều tăng, trong khi sức mua giảm trầm trọng, chưa bằng 10% so trước đây. Người ta chủ yếu ghé coi đồ, hỏi giá rồi từ chối khéo, chê mắc hơn bán online nên mình đành chịu” - chị Quyên than.

Ngồi đánh cờ tướng với mấy chủ ki-ốt trong chợ, ông Q.B (tiểu thương Trung tâm thương mại An Phú) cho biết: “Ngày nào tôi cũng mở cửa từ sớm tới chiều mà bán buôn có được gì đâu”. Điệp khúc ế ẩm kéo dài, khiến nhiều tiểu thương phải tính tới chuyện sang sạp, sang ki-ốt, tìm hướng làm ăn mới. “Mấy năm trước, muốn sang sạp thì không có mà sang, phải trả giá cao hơn may ra mới có. Còn giờ, kêu mấy năm, thậm chí đăng quảng cáo trên mạng xã hội mà vẫn chưa sang được” - một tiểu thương ở chợ Long Xuyên cho biết.

Thay đổi thói quen

“Việc nhiều siêu thị tiện ích mọc lên khắp nơi phần nào thay đổi thói quen đi chợ của tôi. Nếu như trước đây, muốn mua gì, tôi tranh thủ chạy ra chợ truyền thống, nay lại thích đến siêu thị hơn. Bởi, siêu thị có đa dạng mẫu mã, giá cả cho khách lựa chọn. Sự văn minh được thể hiện khá rõ, khi mọi người biết xếp hàng, không chen lấn, quan trọng là không sợ bị mua hàng gian, hàng giả, hàng giá cao” - chị Thu Thủy (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho hay.

Gần 11 giờ trưa, tôi ghé mua rau ở chợ Mỹ Bình. Bó rau muống có giá 10.000 đồng, nhưng người bán đon đả hỏi tôi có muốn lặt rau luôn không (không tính tiền thêm). Tiểu thương này chia sẻ: “Không riêng gì ki-ốt bán quần áo, mỹ phẩm, sạp hàng nông sản, mà thịt, cá ở chợ truyền thống cũng đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Trước đây, chợ nhộn nhịp lắm, tôi bán từ sáng đến hơn 5 giờ chiều mới dọn hàng. Giờ thì hơn 10 giờ là chợ vắng khách rồi. Tôi duy trì sạp chủ yếu bán cho khách quen. Để giữ khách, tôi thường tranh thủ lúc vắng, gọt rau củ, rửa sạch, để khách mua khỏi mất thời gian sơ chế”.

Trước đây, người tiêu dùng, nhất là người nội trợ vẫn thường lui tới chợ để mua hàng. Hiện nay, nhu cầu mua sắm dần thay đổi. Những mặt hàng như quần áo, giày dép… ở chợ truyền thống dần "đuối sức", cạnh tranh không nổi với cửa hàng hiện đại, siêu thị, hình thức mua hàng qua mạng. Ở chợ truyền thống, có thể tìm được mẫu giày, dép của...  nhiều năm trước. Trong khi "chợ mạng" cập nhật rất nhanh kiểu dáng, mẫu mã giày dép bắt kịp xu hướng thời trang trong và ngoài nước. Chỉ bấy nhiêu cũng thấy rằng, để tồn tại, phát triển, chợ truyền thống cần phải thay đổi.

Chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm quan trọng 

Nắm bắt xu thế

Theo khảo sát, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng đến cửa hàng tiện lợi, siêu thị... bởi hàng hóa phong phú, trưng bày đẹp, khoa học; không gian sạch sẽ và thoáng mát, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan trọng là tất cả mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, được niêm yết giá rõ ràng và được kiểm định.

Dĩ nhiên, để bán được nông sản, nông dân hiện nay đã rất chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chợ truyền thống cũng rất chú ý đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, có thêm một số tiện ích… Nhưng xu thế chung thì người tiêu dùng vẫn thích chọn mua ở siêu thị - “Từ khi có siêu thị ở gần nhà, tôi thường xuyên ghé mua rau, củ, quả, thịt, cá. Mua ở đây vừa mát mẻ, tiện lợi, an toàn thực phẩm, thỉnh thoảng còn được giảm giá, tặng phẩm” - chị My (ngụ huyện An Phú) chia sẻ.

"Ngày nay, đa phần người ta đi chợ bằng smartphone. Hàng hóa được trưng bày, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, thỏa sức lựa chọn. Chỉ cần một “click” là món hàng được giao tận nhà. Chợ điện tử hay “chợ mạng” độc đáo ở chỗ, đôi khi chỉ cần 1 người bán hàng, với thủ thuật, kỹ thuật bán hàng thông qua công nghệ. Tôi hay mua hàng livestream trên Facebook. Giá chỉ vài trăm ngàn đồng cho cái váy, nếu mua đơn hàng trên 500.000 đồng, thanh toán bằng cách chuyển khoản sẽ được miễn phí tiền ship. Chưa kể, chỉ cần nhập mã hàng vừa ý, hệ thống tự tạo đơn hàng rất nhanh chóng, tiện lợi”- chị Phượng Linh (30 tuổi, ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Ngoài ra, đi “chợ mạng”, người mua chỉ cần ngồi một chỗ, làm những công việc hàng ngày bình thường, tranh thủ chút thời gian lên mạng mua sắm tất cả hàng hóa, sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Đó cũng là nguyên nhân khiến người đi chợ truyền thống thưa dần. "Cả chục năm buôn bán ở chợ, chưa bao giờ gặp tình cảnh ảm đạm như lúc này. Dù cố gắng bắt kịp xu hướng, đăng hình quần áo lên Facebook, Zalo để bán nhưng khách quen ủng hộ là chủ yếu. Thấy nhiều người livestream bán hàng, chốt đơn rất nhiều, tôi còn ngại nên chưa thử" - chị Liên (tiểu thương bán quần áo ở chợ Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) thổ lộ.

Xu hướng kinh online mặc dù phát triển sôi động, nhưng dù thế nào thì chợ truyền thống vẫn còn giá trị. Sở Công Thương đang phối hợp rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động để các chợ truyền thống tồn tại, phát triển phù hợp xu thế. Bên cạnh hạn chế, chợ truyền thống vẫn có nhiều tiện lợi, phù hợp tập quán mua bán. Đi chợ là nét văn hóa truyền thống bao đời nay của gia đình Việt Nam. Chợ truyền thống thường tận dụng mặt bằng gia đình để kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhân công… Đối tượng kinh doanh chủ yếu là tiểu thương, người dân sản xuất và bán trực tiếp sản phẩm. Mặt hàng kinh doanh tại chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, tập trung chủ yếu vào hàng may mặc, đồ gia dụng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống...

Phát triển hạ tầng thương mại

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân, An Giang hiện có 2 trung tâm thương mại, 2 trung tâm mua sắm, 8 siêu thị, 89 cửa hàng tiện lợi và 186 chợ truyền thống (10 chợ hạng II, 176 chợ hạng III). Để đáp ứng nhu cầu sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển khá mạnh (59 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 28 cửa hàng Winmart+ và 2 cửa hàng Co.op Food). Hệ thống phân phối hiện đại, đa dạng và phong phú về loại hình mua sắm, giao dịch, phân phối hàng hóa. 

Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ra đời đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm sạch, nhận được sự đồng thuận cao, nhất là người dân khu vực nông thôn, góp phần thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa từ kênh truyền thống (chợ, xe đẩy...) sang kênh phân phối hiện đại, quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm.

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang phát triển mạnh

Hiện nay, mạng lưới thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi...) trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhưng phân bố không đều, tập trung phát triển sôi động ở khu vực trung tâm, phát triển chậm ở khu vực nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế, do xây dựng từ lâu, trong khi nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng tăng. Thời gian tới, An Giang tập trung củng cố, nâng cấp loại hình chợ truyền thống, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.  

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư (đã đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh) mở rộng hoạt động kinh doanh, như: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đầu tư xây dựng 2 siêu thị Co.opmart tại thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới). Liên hiệp hợp tác xã OCOP Việt Nam khảo sát, chọn vị trí thuận lợi để mở rộng hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh, công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại tổng hợp Vincommerce... phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi.
Đồng thời, đón nhiều nhà đầu tư mới phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, như: Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Công ty Cổ phần bất động sản Hà Minh Anh đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại mang thương hiệu GO!. Liên hiệp HTX Việt Nam nâng cấp, xây dựng mới (trên nền cũ) tại một số chợ trên địa bàn tỉnh… góp phần phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu mua bán và tiêu dùng của người dân. 

HỮU HUYNH - THANH TIẾN - PHƯƠNG LAN