DN thủy sản với EVFTA: Đòi hỏi nghiêm ngặt truy suất nguồn gốc

27/02/2020 - 14:38

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam nếu không có chứng nhận đánh bắt thì không xuất qua được thị trường châu Âu.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Từ đây, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước nói chung, tỉnh Phú Yên  nói riêng sẽ có thêm cơ hội phát triển. 

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, gần 50% dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó phần lớn đang ở mức 6 - 22% sẽ được giảm về 0%. Phần còn lại với thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về 0% trong 3 - 7 năm sắp tới.

dn thuy san voi co hoi tu evfta: chu dong doi moi, hop tac phat trien hinh 1

Doanh nghiệp chế biến thủy sản tỉnh Phú Yên quan tâm đến nhóm sản phẩm được giảm thuế.

Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Các Doanh nghiệp ở tỉnh Phú Yên rất quan tâm đến sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh - nhóm sản phẩm sẽ được giảm thuế từ 20% xuống 0%. Các sản phẩm tôm khác nằm trong lộ trình 3 - 5 năm; riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế là 7 năm.

Ông Phan Văn Lai, cán bộ Công ty Cổ phần thủy sản Bá Hải cho biết: "Cá ngừ và ngư trường ngày càng cạn kiệt. Thứ hai là Luật Thủy sản ra những quy định mới đòi hỏi ngư dân phải lắp các thiết bị giám sát hành trình và phải thực hiện các thủ tục pháp lý để truy xuất nguồn gốc".

Còn bà Cao Thị Phượng, Phó Giám đốc Công Ty TNHH MOSC Việt Nam thì cho rằng, chỉ riêng phần tiền thuế không phải nộp nữa đã là một khoản khá lớn, điều đó thúc đẩy các doanh nghiệp hướng vào thị trường EU nhiều hơn.

dn thuy san voi co hoi tu evfta: chu dong doi moi, hop tac phat trien hinh 2

Các doanh nghiệp thủy sản sẽ gặp nhiều thách thức mới sau EVFTA.

Theo bà Phượng: "Nếu không có chứng nhận đánh bắt thì không xuất qua được thị trường châu Âu. Mình chỉ chọn thị trường Mỹ, đây là thị trường đòi hỏi chất lượng rất nghiêm ngặt".

Việc mở rộng thị trường mới đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn ở tỉnh Phú Yên không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng “thẻ vàng” EU, mà qua đó còn tìm được nhiều khách hàng mới từ thị trường Mỹ, Trung Đông và một số nước khác....

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, bên cạnh cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp thủy sản cũng sẽ gặp phải những thách thức mới. Cụ thể là các điều kiện về rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ hơn, cạnh tranh về giá thành nhiều hơn và có nhiều quy định phức tạp hơn.

dn thuy san voi co hoi tu evfta: chu dong doi moi, hop tac phat trien hinh 3

Sau khi EVFTA được ký kết, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức.

"Bà con mình chưa đảm bảo các thị trường này. Đối với các thị trường khác thì yêu cầu rất nghiêm ngặt để truy xuất nguồn gốc. Nhưng đến nay, bà con mình được tuyên truyền rất nhiều nhưng chưa nắm được quy định cũng như yêu cầu của thị trường trong thời gian tới " - bà Nga cho biết.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EVFTA cũng đề cập đến việc 2 bên cần tích cực tham gia đấu tranh chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đây là việc cấp bách và quan trọng không chỉ để Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU của EU mà còn đảm bảo tuân thủ các điều khoản trong EVFTA. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt và tận dụng những cơ hội mới từ EVFTA

Theo VOV